Khi các quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc tập trung tại Phòng Bầu dục vào tháng hai, Tổng thống Trump có một thông điệp đơn giản cho nhà đàm phán trưởng của Mỹ, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer: Hãy chốt được thỏa thuận.
Nhưng ba tháng sau, thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung vẫn là một điều xa vời. Các cuộc thảo luận đổ bể trong tháng này khi Bắc Kinh phản đối yêu cầu của Mỹ là Trung Quốc phải sửa luật, như quy định các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ nếu muốn vào thị trường Trung Quốc. Bắc Kinh coi yêu cầu của Mỹ là hành vi vi phạm chủ quyền.
Yêu cầu của Mỹ thể hiện chính quyền Trump quyết tâm khiến Trung Quốc phải có những thay đổi dài hạn trong các quy tắc kinh tế và kinh doanh. Các luật sư thương mại và những người theo dõi tiến trình đàm phán cho rằng có thể thấy rõ dấu ấn của Lighthizer trong nỗ lực này.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ chịu trách nhiệm phát triển và đề xuất chính sách thương mại cho Tổng thống. Họ cũng phụ trách tiến hành các cuộc đàm phán thương mại song phương và đa phương. Lighthizer trở thành người đứng đầu cơ quan này từ tháng 5/2017.
Trước đó Lighthizer đã làm luật sư thương mại trong ba thập niên, đại diện cho công ty thép U.S Steel Corp và các khách hàng khác khi họ kiến nghị chính phủ Mỹ áp thuế đối với các đối thủ nước ngoài.
Theo các luật sư đã làm việc với Lighthizer trong nhiều năm, đối với ông, mục tiêu đàm phán không phải là đạt được sự thỏa hiệp giữa hai bên mà là quyết liệt thúc đẩy để có được thỏa thuận tốt nhất cho khách hàng. "Ông ấy có những kinh nghiệm rất phù hợp với tình hình hiện giờ giữa Mỹ và Trung Quốc", Clete Willems, cựu cố vấn thương mại của chính quyền Trump, nói.
Không phải ai cũng ủng hộ phương pháp này. Miriam Sapiro, cựu đại diện thương mại Mỹ trong chính quyền Obama, cho rằng các nhà đàm phán phải nhận ra rằng cả hai bên phải cùng chiến thắng thì mới đạt được thỏa thuận thành công.
"Khi thương lượng về một thỏa thuận thì cách tiếp cận 'anh phải làm đúng theo ý tôi hoặc chúng ta chấm dứt đàm phán' ít khả năng có hiệu quả", Sapiro nói. Chiến lược đó "có thể có tác dụng vào một số thời điểm nhất định, nhưng nó không chắc chắn là chiến lược giúp bạn vượt qua vạch đích".
Lighthizer thực hiện hầu hết công việc ở hậu trường nhưng đôi khi ông sẽ tận dụng những lần xuất hiện trước công chúng để công kích lập trường của đối tác vào thời điểm quan trọng trong đàm phán.
Năm 2018, khi Mỹ, Mexico và Canada đang bàn bạc để sửa đổi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Lighthizer sử dụng một cuộc họp báo ở Montreal để thể hiện sự thất vọng với Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland, công kích một đề xuất mới của Canada về quy định buôn bán ôtô.
Tương tự, Lighthizer đã tổ chức một cuộc họp báo hiếm hoi tại văn phòng của mình trong tháng này để công kích các hành động của Trung Quốc tại bàn đàm phán, cáo buộc các quan chức Trung Quốc sửa đổi dự thảo vào phút chót, "rút lại những cam kết quan trọng".
Vào những năm 1980, Lighthizer là Phó Đại diện Thương mại trong chính quyền Ronald Reagan. Reagan ủng hộ thương mại tự do nhưng các quan chức dưới quyền, bao gồm Lighthizer, đã sử dụng sức mạnh và ảnh hưởng kinh tế của Mỹ thời hậu Chiến tranh Lạnh để giành được những nhượng bộ từ các thị trường mới nổi.
Giống như Trump, sự thẳng thừng là nét tính cách nổi bật của Lighthizer. Khi đàm phán với đối tác Nhật vào giữa những năm 1980, Lighthizer cảm thấy bất mãn về đề xuất của đối phương nên đã lấy tờ giấy viết đề nghị đó, gấp nó thành một chiếc máy bay giấy và phi nó lên bàn của nhà đàm phán Nhật.
Lighthizer từ lâu đã có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Ông từng phản đối việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong một bài xã luận năm 1997. Năm 2010, Lighthizer phát biểu trước Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung rằng Washington nên xem xét bỏ các cam kết thuế quan thấp với WTO nếu Trung Quốc tiếp tục vi phạm các nguyên tắc thị trường.
Vì vậy, Lighthizer là sự lựa chọn gần như hoàn hảo đối với chính quyền Trump để đối phó với Trung Quốc, vì Trump đã hứa sẽ xé bỏ các thỏa thuận cũ và sử dụng những đe dọa về thuế quan để đưa ra các thỏa thuận mới mà ông cho rằng sẽ khôi phục sức mạnh của Mỹ.
Các quan chức Mỹ nói lý do Lighthizer kiên quyết yêu cầu Trung Quốc sửa luật là ông tin rằng Trung Quốc từng phớt lờ các nghĩa vụ thương mại. Vì vậy, lần này ông muốn có thỏa thuận mới ràng buộc về mặt pháp lý nhất có thể. "Mục tiêu của chúng tôi là thúc đẩy cải cách ở Trung Quốc", Lighthizer nói với quốc hội Mỹ.
Tuy nhiên, việc Mỹ kiên quyết yêu cầu Trung Quốc thay đổi luật là vấn đề rất nhạy cảm đối với Bắc Kinh vì điều đó có thể thể hiện họ lép vế, "cúi đầu" trước áp lực của Washington. Trong khi đó, luật pháp Mỹ sẽ không thay đổi vì chính quyền Trump không có kế hoạch đệ trình bất kỳ thỏa thuận nào với Trung Quốc lên quốc hội.
Jerome Cohen, chuyên gia về luật châu Á tại trường luật Đại học New York, cho rằng cần phải có đi có lại. "Chúng ta phải có sự nhượng bộ tương tự với Trung Quốc thì thỏa thuận mới hợp lý".
Ngoài câu hỏi pháp lý, còn những vấn đề khác khiến Mỹ - Trung bế tắc trong đàm phán. Trung Quốc muốn Mỹ dỡ bỏ thuế quan hoàn toàn ngay lập tức nhưng Washington muốn thực hiện từ từ, từng bước để đảm bảo Trung Quốc tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận.
Chính trị cũng là yếu tố được tính đến. Ông Trump đã đắc cử năm 2016 với lời hứa sẽ cứng rắn với Trung Quốc. Ông cũng có thể trở lại với cách tiếp cận "diều hâu" hơn khi chuẩn bị cho chiến dịch năm 2020.
"Nếu Lighthizer không thể đạt được thỏa thuận thì sẽ không có thỏa thuận nào", Michael Wessel, thành viên của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung, nói.
Phương Vũ (Theo WSJ)