Đầu thu năm rồi, anh chị chào đón một bé trai kháu khỉnh. Do tính chất công việc, anh lênh đênh trên biển ròng rã, hiếm hoi vài tháng anh về được ít hôm. Vì vậy, một mình chị ở nhà, trách nhiệm chăm sóc em bé và gìn giữ nhà cửa đặt hết lên đôi vai chị.
Chị là một người tự lập. Từ nhỏ, chị đã luyện tập để sử dụng thành thạo đôi chân của mình cho cuộc sống thường nhật. Ngày tập viết, chị cứ tha thẩn lang thang trong vườn, lấy chân quắp những cành cây, viên gạch tập viết trên nền sân.
Những ngày ấy, trong nhà tôi chi chít nét chữ nguệch ngoạc của chị. Nhiều lần tôi bắt gặp mẹ khẽ lau những giọt nước mắt xót xa khi thấy con mình mồ hôi nhễ nhại, đánh vật với từng nét chữ trên sân không quản ngày đêm. Vì vậy, khi biết mình sắp làm mẹ, chị tôi kiên cường hẳn.
Với những người phụ nữ bình thường, làm tất cả công việc nhà đã rất khó khăn, với chị tôi khó khăn ấy càng nhân lên gấp bội. Thế nhưng vì tình thương con, mỗi ngày chị luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng thêm một chút. Lúc đầu là khoảng thời gian gian khổ, chị làm việc gì cũng hỏng, chân chị chằng chịt những vết thương do cố gắng sửa một chiếc áo, may một chiếc quần. Nhưng dần dần, chị làm gì cũng thạo.
Đôi chân chị thoăn thoắt từng mũi đan hay pha sữa cho con lúc nửa đêm quấy khóc. Gia đình ngày ấy không an tâm để chị chăm bé một mình nhưng chị kiên quyết có thể chăm con để không làm vướng bận ai.
Thỉnh thoảng đi học mua cho cháu ít quà, tôi lại ghé qua chị. Thằng bé càng ngày càng ngoan và khỏe mạnh, tôi thầm ngưỡng mộ chị. Người ta dùng tay ôm con, chị tôi dùng chân ôm con, dù rằng cách thức thể hiện có thể khác nhau nhưng tôi tin chắc tình thương của chị dành cho con mình cũng vĩ đại như những người mẹ khác.
Phạm Nhung