Ngô Đình Vân Khanh và chồng Đỗ Dương Trúc Lâm (ngụ quận 7, TP HCM) thường xuyên bị mèo cào, cắn, có vết trầy xước trên da do thường xuyên cứu hộ hàng trăm mèo về chăm sóc. Mèo được vợ chồng chị Khanh đưa về sẽ được tiêm vaccine phòng bệnh ngay, chỉ số ít trường hợp chưa kịp tiêm vì cần cứu hộ các trường hợp khác khẩn cấp hơn.
Mới đây, hai vợ chồng quyết định tiêm vaccine dại để phòng bệnh trước khi tiếp tục chăm sóc mèo hoang.
"Mèo ở đây bị bỏ rơi hoặc không rõ nguồn gốc nên nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm cao, không loại trừ bệnh dại. Theo tôi tìm hiểu, nếu đã tiêm vaccine phòng dại thì khi bị chó mèo hoặc động vật hoang dã cào, cắn thì chỉ cần tiêm ít mũi vaccine hơn và không cần phải tiêm huyết thanh kháng dại. Tiêm huyết thanh này sẽ gây ra nhiều phản ứng phụ và rất đau do phải tiêm nhiều mũi phong tỏa vết thương", Khanh bày tỏ.
Còn chị Thu Cúc (32 tuổi, TP HCM) là nhân viên chăm sóc thú cưng, công việc là cắt tỉa lông, móng cho chó mèo. Cúc cho biết chị tiếp nhận nhiều chó mèo bị ốm, dễ nổi nóng tấn công người. Do đó, chị Cúc cũng tiêm dự phòng vaccine dại để tránh nhiễm bệnh .
Hệ thống tiêm chủng VNVC cũng ghi nhận nhiều bác sĩ thú y, du học sinh, người nước ngoài chủ động tiêm dự phòng trước phơi nhiễm dại. Ví dụ Thành Nguyễn (18 tuổi, TP HCM), du học sinh Canada đến VNVC Hoàng Văn Thụ (TP HCM), cho biết cách đây không lâu bị đứt chân và đến một bệnh viện ở Canada để tiêm phòng uốn ván. Tuy nhiên, Thành đợi 10 tiếng mới đến lượt tiêm. "Tôi lo lắng lỡ bị phơi nhiễm dại, tái diễn tình trạng chờ lâu, nguy hiểm đến sức khỏe nên quyết định tiêm trước", Thành nói.
Tương tự, tháng 3-2023, anh Georg Gutheil (25 tuổi, quốc tịch Đức) đến VNVC Hoàng Văn Thụ để tiêm phòng dại vì bị khỉ cào khi đang du lịch ở Campuchia. Anh cho biết trước khi đi du lịch đã tiêm 3 mũi dự phòng dại, do đó VNVC tư vấn tiêm thêm 2 mũi để có hiệu quả ngừa bệnh dại cao nhất.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, cho biết theo hướng dẫn giám sát, phòng chống bệnh dại trên người do Bộ Y tế ban hành, việc tiêm vaccine dự phòng bệnh dại và tiêm nhắc lại theo định kỳ được khuyến cáo cho cán bộ thú y, nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với virus dại, người làm nghề giết mổ chó, người dân và những người đi du lịch đến các khu vực lưu hành bệnh dại.
Bác sĩ Khanh lưu ý thêm: "Nếu trong sinh hoạt hằng ngày, ai đó cảm thấy nguy cơ cao tiếp xúc với con vật bị dại thì cũng nên tiêm dự phòng bệnh dại như là một giải pháp bảo vệ".
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, nhận định tình trạng chó không được tiêm phòng dại thường gặp.Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố tháng 11/2021, việc tiêm vaccine cho chó tỷ lệ thấp, tỷ lệ đàn chó được tiêm chủng tăng lên hơn 49% nhưng chưa đạt yêu cầu tối thiểu để kiểm soát bệnh dại. Tình trạng chó chạy rông, cắn người trọng thương, cắn chết người phổ biến. Số tử vong do bệnh dại giảm ở các tỉnh nguy cơ cao song có xu hướng tăng ở các tỉnh nguy cơ thấp. Do đó, nguy cơ người dân tiếp xúc với mầm bệnh rất lớn, cần có ý thức phòng ngừa bệnh dại.
Quá trình ủ bệnh của virus dại ở người rất phức tạp, có thể chỉ trong vòng 7 đến 10 ngày nhưng cũng có thể kéo dài từ vài năm đến hơn 10 năm, phụ thuộc vào mức độ nặng, nhẹ và vị trí vết cắn của động vật. Điều này dẫn đến tình trạng khó kiểm soát, theo dõi và điều trị sau khi bị chó, mèo cắn.
Trong các trường hợp vết cắn nặng, nhiều vết cắn hoặc vết cắn ở vị trí gần thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ, đầu chi, virus dại phát tác rất nhanh. Nếu không được xử trí vết thương đúng cách, tiêm huyết thanh và vaccine kịp thời, người bệnh có thể tử vong trong thời gian ngắn.
Bác sĩ Chính khuyến cáo những người có nguy cơ cao tiêm vaccine phòng bệnh dại trước phơi nhiễm sẽ có nhiều lợi ích.Mọi người chỉ cần tiêm 3 mũi vaccine dự phòng, hoàn toàn linh động về mặt thời gian. Khi bị chó, mèo cắn, mọi người chỉ cần tiêm 2 mũi vaccinevà không cần phải tiêm huyết thanh kháng dại.
Trường hợp bị chó mèo cắn, cào mà trước đó chưa từng tiêm vaccine dại, người dân cần tiêm 5 mũi vaccine trong một tháng.Nếu vết thương nặng, vị trí trọng yếu thì cần phải tiêm huyết thanh.Huyết thanh có thể mang lại tác dụng phụ như phản ứng tại vết tiêm gây loét hay căng cứng cơ hoặc phản ứng toàn thân gồm sốt nhẹ, nổi mề đay, ban đỏ, phù nề, đau khớp và mệt mỏi. Ngoài ra, có phản ứng nghiêm trọng nhưng hiếm gặp như sốc phản vệ, viêm khớp... Hiện nay, nhiều vùng sâu vùng xa, huyết thanh kháng dại và vaccine đôi khi khó tiếp cận do nguyên nhân khách quan.
Nhiều người lo ngại vaccine phòng bệnh dại có tác dụng phụ, ảnh hưởng hệ thần kinh, gây mất trí nhớ, bác sĩ Chính cho biết vaccine thế hệ cũ tồn tại vấn đề này. Tuy nhiên, hiện nay vaccine phòng dại đã được sản xuất bởi công nghệ hiện đại, không chứa các tế bào thần kinh nên không gây hại và không ảnh hưởng đến sức khỏe hay trí nhớ của người được tiêm.
Chi Lê