Theo Neuralink, tình nguyện viên thứ hai tham gia thử nghiệm có tên Alex, được cấy chip tháng trước và đang phục hồi tốt. Alex liệt tay chân vì chấn thương cột sống.
Công ty cho biết, bệnh nhân đầu tiên Noland Arbaugh có thể điều khiển thiết bị bằng suy nghĩ hiệu quả, nhưng 85% điện cực dạng sợi gắn vào não bị lệch. Do đó, họ đã áp dụng một số biện pháp để tránh lặp lại vấn đề trong ca phẫu thuật với Alex và hiện không phát hiện sai lệch của các sợi điện cực.
Trước khi cấy chip, Alex từng chơi game Counter-Strike 2 qua bộ điều khiển bằng miệng QuadStick, nhưng không thể vừa di chuyển vừa bắn. Còn với chip não, người này có thể điều khiển chuột từ xa trên laptop để ngắm bắn và sử dụng QuadStick để di chuyển cùng lúc.
Ngoài ra, Alex cũng dùng chip não để tạo thiết kế 3D, như giá đỡ cho bộ sạc điện và in thành sản phẩm. Alex cho hay: "Việc biến ý tưởng thành thiết kế và tạo ra một sản phẩm thật sự khiến tôi cảm thấy mình như đang xây dựng lại mọi thứ".
Trong khi đó, Neuralink cho biết đang phát triển các công nghệ điều khiển nhằm cung cấp đầy đủ chức năng của chuột và bàn phím cho các trò chơi điện tử.
Neuralink được Elon Musk đồng sáng lập năm 2016 cùng 7 thành viên khác, nhưng đa số đã rời đi. Tỷ phú Mỹ tin Neuralink sẽ thay đổi thế giới, mở ra tiềm năng thần giao cách cảm. Năm 2019, ông nói con người sẽ "hợp nhất và đạt được sự cộng sinh với AI".
Cuối tháng 1, ông thông báo công ty đã cấy thành công chip vào người tham gia thử nghiệm đầu tiên là Noland Arbaugh, bị liệt cách đây 8 năm. Neuralink dùng robot đặt bộ phận cấy ghép giao diện não - máy tính vào vùng não. Bác sĩ mất vài giờ thực hiện ca phẫu thuật cắt hộp sọ, sau đó cần 25 phút để robot đưa thiết bị cùng với bộ phận chip siêu mỏng chứa khoảng 64 sợi khác nhau vào trong. Các sợi mỏng bằng 1/14 chiều rộng sợi tóc.
Dù vậy, giới bảo mật lo ngại hệ thống trong tương lai có thể bị hacker tấn công.