Cụ ông 81 tuổi, hai tuần sau khi khỏi Covid-19 đột ngột bị đau bụng, được người nhà đưa vào Bệnh viện Hữu Nghị cấp cứu hôm 31/3. Bác sĩ điều trị cho biết ông bị đau ở hạ sườn trái, chẩn đoán nhồi máu lách. Lá lách nằm ở bên trái dạ dày, nhồi máu lách là tình trạng các cục máu đông di chuyển làm nghẽn mạch máu nhỏ trong bộ phận này. Sau khi được điều trị, cụ ông đã hồi phục sức khỏe.
Bác sĩ Bùi Long, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Hữu Nghị, cho biết nhóm điều trị kết luận cụ ông gặp di chứng đông máu hậu Covid-19, sau khi đã loại trừ các nguyên nhân gây đông máu khác. Đây là một trong nhiều ca bệnh đông máu rải rác nhập viện điều trị vào cuối tháng 3, đầu tháng 4. Tình trạng bệnh rất đa dạng, có người bị đông máu chỉ sau khi mắc Covid 10 ngày, có người mắc sau khi khỏi Covid một tháng. Bệnh viện cũng ghi nhận ghi nhận bệnh nhân bị có máu đông ở động mạch phổi, máu đông ở tĩnh mạch chi dưới, tắc động mạch chi dưới cấp tính.
Theo bác sĩ Long, Covid-19 gây ra hàng loạt các đáp ứng miễn dịch quá mức, không thích hợp, trong đó có rối loạn tăng đông máu. Các nhà khoa học đã chứng minh cơ chế gây rối loạn tăng đông máu gồm: gây viêm, tạo máu đông; tạo ra cơn bão cytokine; hoạt hóa bổ thể (tức là một chuỗi protein huyết tương, chủ yếu là protein dạng enzym, bị hoạt hóa, phá hủy tế bào, vi trùng); viêm nội mạc mạch máu...
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh và Thụy Điển công bố hôm 7/4 cho thấy nhiễm nCoV làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông nghiêm trọng từ ba đến 6 tháng sau khi mắc bệnh. Bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ đông máu cao hơn nếu họ mắc các bệnh lý tiềm ẩn, có triệu chứng nghiêm trọng hoặc nhiễm bệnh trong đợt dịch đầu tiên vào năm 2020 (thời điểm chưa có vaccine).
Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào đưa ra tỷ lệ chung về tình trạng đông máu hậu Covid-19. Bác sĩ Long cho biết nhiều báo cáo cho thấy tình trạng đông máu hậu Covid-19 thường gặp ở người cao tuổi, nhiễm nCoV ở mức độ nặng, chưa tiêm vaccine, thừa cân béo phì và nhiều bệnh lý nền.
Di chứng đông máu không thường gặp song rất nguy hiểm cho người bệnh. Máu đông có thể xuất hiện ở bất cứ mạch máu nào trong cơ thể, gây tắc mạch. Ví dụ mạch máu não bị tắc gây đột quỵ; tắc mạch vàng tim gây nhồi máu cơ tim, suy tim, đột tử; tắc động mạch phổi cấp có thể gây suy hô hấp cấp hoặc tử vong; tắc động mạch thận làm suy thận cấp; tắc động mạch chi dưới có thể gây hoại tử, phải cắt cụt chi gây tàn phế...
Vì vậy, bác sĩ Long khuyến cáo người bệnh không chủ quan, hãy đi khám nếu thấy có bất thường trong cơ thể, ngay cả khi đã khỏi Covid-19. Nhóm người cao tuổi, nhiều bệnh nền nên tự theo dõi sức khỏe tại nhà ít nhất ba tuần sau mắc Covid, nên đi khám ngay nếu cơ thể biểu hiện bất thường.
Chi Lê