Một người thuộc phe ủng hộ chính phủ bị đánh trong cuộc đụng độ giữa hai phe. Ảnh: EPA. |
Một trong các nhà lãnh đạo của phe chống chính phủ, ông trùm truyền thông Sondhi Limthongkul, cho biết họ sẽ chỉ đàm phán nếu Samak rời nhiệm sở. "Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng, đó là ông Samak phải từ chức. Nếu ông ấy không đi, chúng tôi sẽ không nói chuyện với ai hết".
Sondhi cũng khẳng định những người ủng hộ Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) không hề có vũ khí. "Chúng tôi không có súng. Có thể một số người mang theo gậy chơi golf hoặc gậy gộc để tự vệ chứ hoàn toàn không có súng".
Có rất ít dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan sắp chấm dứt khi lệnh tình trạng khẩn cấp bước sang ngày thứ hai. Đây là làn sóng biểu tình và bạo động tồi tệ nhất trên đường phố Bangkok trong vòng 16 năm qua. Các cuộc đụng độ giữa phe ủng hộ và phản đối Thủ tướng Samak đã khiến một người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Trong khi đó, một số quốc gia bắt đầu ra khuyến cáo công dân của họ không nên đến Thái Lan sau khi tình trạng khẩn cấp được ban bố ở Bangkok. Singapore và Hàn Quốc đề nghị người dân hoãn tất cả các chuyến đi tới Thái Lan nếu không cấp bách. Australia và New Zealand đề nghị người dân cảnh giác cao độ nếu tới đất nước chùa vàng, bởi không loại trừ khả năng bạo lực xảy ra.
Các cuộc biểu tình rầm rộ tại Bangkok nổ ra từ tuần trước và do phe chống chính phủ PAD tổ chức. Tới đêm 1/9, phe ủng hộ chính phủ đương nhiệm xuất hiện và xảy ra đụng độ giữa hai bên.
Cuộc họp khẩn cấp của Quốc hội Thái Lan đã không đạt được kết quả gì trong việc tìm ra hướng giải quyết cho căng thẳng gia tăng giữa liên minh ủng hộ ông Samak và các nhóm đối lập. Công nhân một số ngành còn dọa sẽ cắt điện, nước và dịch vụ viễn thông tại các cơ quan của chính phủ, đồng thời hủy các chuyến bay trong nước nhằm gây áp lực khiến thủ tướng phải từ chức.
Ngọc Sơn (theo AFP, AP)