"Chính quyền Kiev ký các thỏa thuận mà không hoàn thành bất cứ điều khoản nào", Reuters dẫn lời Denis Pushilin, thủ lĩnh biểu tình ở Donetsk, nói. "Họ chỉ kích động thêm khủng hoảng. Ông Turchynov chống lại chính nhân dân của mình và chúng tôi sẽ tiếp tục phong trào đến cùng".
Pushilin cho biết lực lượng của mình không bị ràng buộc bởi thỏa thuận. Ông cũng khẳng định Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov "không thay mặt phe ly khai ký thỏa thuận, ông ấy ký cho Nga".
Trước đó, trong buổi họp báo tại một tòa nhà chính quyền chiếm được, Pushilin từng yêu cầu Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk và Tổng thống tạm quyền Aleksandr Turchynov rời bỏ văn phòng chính phủ. Theo thủ lĩnh biểu tình, Yatseniuk và Turchynov chiếm các văn phòng này "một cách bất hợp pháp" sau khi ông Yanukovych bị phế truất.
Alexei, một người ủng hộ ly khai ở Slaviansk, thừa nhận rằng cuộc thảo luận 4 bên vừa qua ở Geneva, Thụy Sĩ, có thể thay đổi tình hình. "Hóa ra ông Putin không yêu quý phe ly khai như chúng tôi tưởng", Alexei nói.
Hội nghị được tổ chức tại Geneva hôm 17/4 gồm các đại diện đến từ Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và chính phủ tạm quyền Ukraine. 4 bên đạt được một thỏa thuận 6 bước nhằm "giảm căng thẳng và đảm bảo an ninh cho tất cả các công dân" sau hội nghị.
Theo thỏa thuận, các bên sẽ kiềm chế những hành động bạo lực, đe dọa và khiêu khích. Các nhóm vũ trang không chính quy phải giải giáp và rời khỏi các tòa nhà bị chiếm đóng trái phép. Những người biểu tình tự nguyện chấp hành sẽ được hưởng quyền ân xá, trừ phi gây ra các tội nghiêm trọng.
Trong khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon tỏ ra phấn khởi với kết quả của hội nghị, Tổng thống Mỹ Obama lại có thái độ hoài nghi về tương lai của thỏa thuận mới này. "Chúng tôi sẽ không tính đến thỏa thuận, nếu chưa nhìn thấy nó được thực thi", AFP dẫn lời ông Obama cho biết.
Washington cũng đe dọa sẽ tăng mức trừng phạt với Moscow nếu khủng hoảng tại Ukraine tiếp diễn. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng Mỹ đang cố gắng bao che cho sai lầm của chính quyền Kiev trong việc đàn áp đẫm máu người biểu tình ở miền đông nước này.
Trần Trang