Theo RT, hội nghị được tổ chức tại Geneva với đại diện của Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và chính phủ tạm quyền Ukraine. Hội nghị kết thúc với một thỏa thuận gồm 6 bước cụ thể nhằm "giảm căng thẳng và đảm bảo an ninh cho tất cả các công dân".
Theo đó, các bên cần kiềm chế các hành động bạo lực, đe dọa và khiêu khích. Các nhóm vũ trang không chính quy phải giải giáp và rời khỏi các tòa nhà bị chiếm đóng trái phép. Tuy nhiên, một lệnh ân xá được đảm bảo cho những người biểu tình tự nguyện chấp hành, trừ các tội phạm nghiêm trọng.
Hội nghị cũng thống nhất phái bộ giám sát đặc biệt của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cần đóng vai trò đi đầu trong việc Kiev và các địa phương thực thi nhóm biện pháp giảm căng thẳng, thậm chí là cử quan sát viên nếu cần.
Ngoài ra, quy trình cải tổ hiến pháp của Ukraine cần toàn diện, minh bạch và có trách nhiệm, bao gồm tổ chức đối thoại dân tộc rộng rãi và giải thích rõ ràng ở tất cả các vùng miền.
Cuối cùng, các bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ổn định nền kinh tế, tài chính của Ukraine, sẵn sàng thảo luận các biện pháp hỗ trợ bổ sung trong khuôn khổ thực hiện các bước trên.
Sau hội nghị, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho biết ông rất phấn khởi với việc bốn bên đạt được thỏa thuận trên và hy vọng các bên "có thái độ nghiêm túc trong việc thực thi thỏa thuận".
"Mục đích cuộc họp là nhằm gửi đến Ukraine một thông điệp rằng họ phải chịu trách nhiệm cho sự ổn định trong nước và phải đảm bảo mỗi khu vực có quyền bảo vệ truyền thống lịch sử và ngôn ngữ của mình", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói. "Ukraine chỉ có thể mạnh khi trở thành cây cầu nối giữa Đông và Tây".
Trong khi đó, Tổng thống Obama lại tỏ thái độ hoài nghi về tương lai của thỏa thuận mới này. "Chúng tôi sẽ không tính đến thỏa thuận, nếu chưa nhìn thấy nó được thực thi", AFP dẫn lời ông Obama cho biết. "Tôi không cho rằng chúng ta có thể chắc chắn bất kỳ điều gì vào thời điểm này".
Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng vẫn hy vọng về khả năng tìm được một giải pháp ngoại giao giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời cảnh cáo về các lệnh trừng phạt bổ sung với Nga nếu tình hình căng thẳng không có tiển triển.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nói ông hy vọng không phải dùng đến quyền triển khai quân đội Nga tại Ukraine trong khi căng thẳng và bạo lực đang gia tăng do mâu thuẫn giữa những người ở đông và nam Ukraine với chính quyền trung ương Kiev.
Đức Dương