Những người biểu tình phẫn nộ khi Trưởng đặc khu Leung Chun-ying (Lương Chấn Anh) từ chối gặp họ và đe dọa mở rộng các cuộc biểu tình nếu ông không từ chức và tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc không nhất trí cải cách bầu cử nhiều hơn.
Lễ thượng cờ diễn ra hôm nay nhằm đánh dấu ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949. Sau khi hàng trăm người hét vang, đòi ông Leung từ chức, họ biểu tình trong im lặng, quay lưng lại khi buổi lễ bắt đầu.
Những chiếc trực thăng treo cờ Hong Kong và Trung Quốc bay qua. Cờ Trung Quốc lớn hơn cờ Hong Kong.
Trong bài phát biểu, ông Leung không đề cập trực tiếp đến người biểu tình, những người nhiều ngày qua chặn các con đường trên khắp đặc khu hành chính bán tự trị. Họ yêu cầu cải cách dân chủ thực sự đối với cuộc bầu cử trực tiếp đầu tiên của Hong Kong vào năm 2017, để chọn ra lãnh đạo thành phố. Những cuộc biểu tình đang tạo ra thách thức mạnh mẽ nhất đối với chính phủ Trung Quốc, kể từ khi nước này kiểm soát đặc khu từ Anh năm 1997.
Trung Quốc hạn chế cải cách bầu cử khi yêu cầu một ủy ban gồm hầu hết giới tinh hoa địa phương thân Bắc Kinh xét duyệt trước các ứng cử viên. Hình thức này tương tự cách bầu ông Leung lên nắm quyền trưởng đặc khu.
Ông Leung nói với các cử tri rằng tốt hơn là đồng ý với kế hoạch của Bắc Kinh về việc đề xuất các ứng cử viên và tổ chức một cuộc bầu cử, thay vì duy trì hệ thống hiện tại, trong đó Ủy ban Bầu cử chọn trưởng đặc khu.
"Chắc chắn là có bầu cử phổ thông vẫn tốt hơn không", ông Leung nói. "Chắc chắn là một vị trưởng đặc khu do 5 triệu cử tri hợp lệ bầu ra thì tốt hơn là do 1.200 người bầu. Và chắc chắn là bạn bỏ lá phiếu của mình tại điểm bỏ phiếu vẫn tốt hơn là ở nhà, bật tivi xem 1.200 thành viên Ủy ban Bầu cử bỏ lá phiếu của họ".
Khi ông Leung nói chuyện với một nhóm chức sắc, Leung Kwok-hung, nhà lập pháp ủng hộ dân chủ, hét lên và yêu cầu ông từ chức trước khi bị an ninh giải đi.
Trong khi đó, ông Paul Zimmerman, ủy viên hội đồng địa phương mang một chiếc ô vàng. Chiếc ô là biểu tượng của phong trào bất tuân dân sự, bởi những người biểu tình dùng nó để tự bảo vệ trước hơi cay của cảnh sát.
"Tôi ở đây hôm nay với chiếc ô vàng vì nó chống lại việc bắn hơi cay vào trẻ em Hong Kong. Tôi nghĩ chúng ta cuối tuần qua phá hoại giá trị của Hong Kong khi bắn hơi cay vào trẻ em", ông Zimmerman nói.
Trung Quốc kiểm soát Hong Kong theo một thỏa thuận đảm bảo quyền bán tự trị, tự do dân sự kiểu phương Tây và tự do dân chủ cho 7 triệu dân. Cuộc bầu cử trực tiếp đầu tiên của đặc khu này dự kiến diễn ra năm 2017, nhưng chính phủ Trung Quốc mới đây nói một ủy ban đặc biệt sẽ sàng lọc trước các ứng cử viên. Điều này bị coi là một sự thất hứa, rằng trưởng đặc khu sẽ được chọn thông qua "phổ thông đầu phiếu".
Thay đổi việc này là một trong những yêu sách lớn của người biểu tình.
Những cuộc biểu tình đang lớn dần, thu hút sự chú ý của thế giới, khi Thủ tướng Anh David Cameron nói ông dự định triệu đại sứ Trung Quốc để thảo luận về tranh chấp. Ông cho rằng điều thiết yếu là người Hong Kong thực sự có quyền chọn lãnh đạo tối cao của họ.
"Chúng tôi không can thiệp vào từng dấu chấm, dấu phẩy trong kế hoạch của người Trung Quốc", ông Cameron nói ở Anh. Nhưng ông nói thêm: "Tôi nghĩ đây là một vấn đề cấp thiết. Phổ thông đầu phiếu thực sự không chỉ đồng nghĩa với hành động bỏ phiếu. Nó có nghĩa là sự lựa chọn đích thực".
Nhà Trắng hôm nay cũng ra tuyên bố đáp lại lời thỉnh cầu trên trang web, thu hút khoảng 200.000 chữ ký. Lời thỉnh cầu đề nghị Mỹ "gây sức ép lênh chính phủ Trung Quốc nhằm tôn trọng lời hứa đối với một cuộc bầu cử dân chủ cho toàn thể công dân Hong Kong".
"Trên khắp thế giới, Mỹ đều ủng hộ những quyền tự do cơ bản được quốc tế công nhận, như tự do hội họp một cách hòa bình, tự do thể hiện. Chúng tôi hối thúc chính quyền Hong Kong kiềm chế, để người biểu tình được thể hiện quan điểm của họ một cách hòa bình", Nhà Trắng cho biết. Thông cáo cũng tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ với phổ thông đầu phiếu ở Hong Kong "phù hợp với Luật Cơ bản".
Việc ông Leung bác bỏ những yêu sách của sinh viên học sinh dập tắt hy vọng về một giải pháp nhanh chóng cho cuộc đối đầu, vốn đang phong tỏa các con phố, buộc một số trường học, văn phòng đóng cửa.
Dù hai bên có những phát biểu hùng hồn, đêm 30/9 trôi đi trong bầu không khí lễ hội và cảnh sát ít xuất hiện. Tuy nhiên, dự kiến nhiều người hơn nữa tham gia biểu tình và sẽ có thêm những con đường bị phong tỏa vì hôm nay và ngày mai là ngày nghỉ lễ.
"Thành thực mà nói, nếu tôi là một quan chức chính quyền, tôi cũng sẽ không biết làm thế nào để giải quyết điều này", Chit Lau, một phi công 35 tuổi, nói. Ông nghĩ rằng thế bí sẽ tiếp tục cho tới khi ông Leung hay một quan chức hàng đầu khác từ chức, hoặc quân đội đụng độ với người dân.
Hiện vẫn chưa rõ kế hoạch tiếp theo của người biểu tình. Không có tuyên bố chính thức nào từ phía họ. Sinh viên vẫn đang bãi khóa, và các lựa chọn khác bao gồm mở rộng biểu tình, thúc đẩy đình công và chiếm tòa nhà chính quyền.
Trong bài phát biểu mừng Quốc khánh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay thề "bảo vệ vững chắc" sự thịnh vượng và ổn định của Hong Kong. Chính phủ Trung Quốc chỉ trích các cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo là bất hợp pháp, tuy nhiên đến nay vẫn chưa công khai can thiệp và chính quyền Hong Kong vẫn đang xử lý khủng hoảng.
Cảnh sát cuối tuần qua xịt hơi cay và bột ớt nhằm giải tán người biểu tình, nhưng cuộc biểu tình càng mở rộng.
Trọng Giáp (Theo AP, Video: Reuters)