Ngày 11/11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường dự án Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước (sửa đổi).
Theo dự luật này, xin lỗi công khai người bị oan là một khâu nằm trong quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường. Nếu người bị oan có yêu cầu bồi thường thì việc xin lỗi công khai mới diễn ra, còn không yêu cầu thì không xin lỗi công khai.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng cách đặt vấn đề như trên chưa phù hợp, bởi gốc của vấn đề là cơ quan nhà nước đã làm oan cho người vô tội, do vậy có trách nhiệm tổ chức xin lỗi công khai, không phụ thuộc người bị làm oan có yêu cầu hay không.
Hơn nữa, trong tố tụng hình sự, để phát hiện tội phạm, pháp luật trao cho cơ quan chức năng được áp dụng nhiều biện pháp cưỡng rất chế mạnh. Nếu áp dụng đúng sẽ giúp tìm ra tội phạm, nếu áp dụng sai thì hậu quả gây ra rất nặng nề. Chưa cần chờ đến khi phải có bản án oan, ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng, nếu khởi tố oan một người, bắt giam họ, tiến hành khám xét chỗ ở, còng tay dẫn đi trước sự chứng kiến của đông đảo xóm giềng..., hậu quả gây ra đối với họ và gia đình đã rất lớn.
“Tôi đề nghị, cần quy định rõ trong Luật này, mọi trường hợp làm oan, cơ quan tố tụng có trách nhiệm tổ chức xin lỗi công khai mà không phụ thuộc vào việc họ có yêu cầu hay không có yêu cầu bồi thường”, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn nói.
Đại biểu Thủy cũng đề nghị quy định rõ trong dự thảo Luật thủ tục xin lỗi người bị oan, vì một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xin lỗi hình thức như thời gian qua là do luật hiện hành chưa quy định cụ thể.
“Có trường hợp giam oan 4 năm nhưng thời gian tổ chức xin lỗi chỉ 5 phút, khiến cho người bị làm oan bật khóc ngay sau khi chủ tọa tuyên bố kết thúc buổi lễ”, bà Thủy dẫn chứng.
Cũng góp ý việc xin lỗi người bị oan, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho biết, báo cáo tổng kết thi hành Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2009 đã nêu: Trong một số trường hợp việc tổ chức xin lỗi, cải chính công khai còn qua loa, chiếu lệ, không thống nhất gây bức xúc cho người bị thiệt hại và xã hội.
“Tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là người trực tiếp xin lỗi chưa đặt đúng mình vào vai trò thay mặt Nhà nước để đứng ra xin lỗi người bị thiệt hại. Theo tôi, Nhà nước làm sai với dân thì phải xin lỗi, xin lỗi là để sửa lỗi và có trách nhiệm hơn trong vai trò công bộc của dân”, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp nói.
Bà Mai Thị Phương Hoa đề nghị cần quy định ngay trong Luật quy định chi tiết trình tự, thủ tục trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai và mẫu văn bản xin lỗi để bảo đảm việc phục hồi danh dự được tiến hành đúng pháp luật, việc xin lỗi phải thực tâm, chân thành và cầu thị, góp phần xoa dịu nỗi khổ mà người bị oan sai phải gánh chịu.
Dự án Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước (sửa đổi) được trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2017).
Võ Hải
>>Cựu chủ tịch phường đòi bồi thường 150 tỷ đồng cho 26 năm oan sai