Trả lời:
Không chỉ riêng bạn mà người béo phì nói chung thường tiêu thụ ít chất xơ trong khẩu phần ăn hằng ngày. Chất xơ là một thành phần quan trọng giúp duy trì chức năng tiêu hóa và phòng ngừa táo bón. Thiếu chất xơ có thể làm chậm quá trình di chuyển của thức ăn qua ruột, khó đi ngoài.
Những người béo phì cũng thường có lối sống ít hoạt động và thiếu vận động. Điều này có thể dẫn đến giảm nhu động ruột gây táo bón. Một số nghiên cứu cho thấy người béo phì có khả năng cao bị rối loạn nội tiết tố, chẳng hạn kháng insulin, ảnh hưởng đến chức năng ruột. Cảm giác căng thẳng, lo lắng và áp lực tâm lý cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động ruột.
Tình trạng này kéo dài gây cảm giác khó chịu, căng thẳng và đau bụng do chất thải tích tụ trong ruột tạo áp lực. Mặt khác, chúng có thể tăng nguy cơ các bệnh lý túi thừa đại tràng, biến chứng viêm, áp xe, chảy máu hay thủng túi thừa đại tràng.
Khi phải thực hiện nỗ lực mạnh để đi đại tiện, các đám tĩnh mạch trĩ, niêm mạc trực tràng và da vùng hậu môn có thể bị tổn thương và viêm nhiễm, dẫn đến bệnh lý vùng hậu môn trực tràng. Các tổn thương mạn tính kéo dài vùng hậu môn trực tràng có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Táo bón kéo dài còn tăng áp lực trong hệ tiêu hóa, tác động đến hệ tim mạch và tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp. Một số bệnh nhân sau nỗ lực đi đại tiện phải rặn mạnh đã khởi phát biến chứng đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Đồng thời, tình trạng này có thể gây rối loạn chức năng ruột, làm giảm nhu động ruột và gây ra vấn đề tiêu hóa như khó tiêu, ợ chua, đầy bụng.
Hiện chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy táo bón kéo dài trực tiếp gây ra ung thư đại tràng. Tuy nhiên, táo bón kéo dài có mối liên hệ chặt chẽ với ung thư đại trực tràng. Một số nghiên cứu đã chứng minh được mối liên quan giữa táo bón và tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ung thư đại tràng là một bệnh phức tạp và có nhiều yếu tố góp phần, bao gồm di truyền, lối sống, chế độ ăn uống và tuổi tác. Táo bón không phải lúc nào cũng gây ung thư đại tràng, và nguy cơ sẽ tăng nếu có nhiều yếu tố khác đi kèm.
Để giảm nguy cơ bị táo bón, bạn nên giảm cân, tăng cường tiêu thụ chất xơ từ rau, quả, ngũ cốc nguyên hạt và hạt. Thực hiện hoạt động thể chất đều đặn. Uống đủ nước hàng ngày để duy trì độ ẩm cho ruột. Hạn chế stress và tìm các phương pháp giảm căng thẳng như yoga, thiền, hoặc tập thể dục để giảm tác động tâm lý lên ruột.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn
Trưởng khoa phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108