Đây là một trong những hướng dẫn về chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người được Bộ Y tế ban hành ngày 29/7, một tuần sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố bệnh này là trường hợp y tế khẩn cấp toàn cầu.
Theo Bộ Y tế, có ba thể bệnh đậu mùa khỉ là không triệu chứng, nhẹ và nặng, dù trường hợp nào thì bệnh nhân vẫn phải được cách ly, điều trị tại cơ sở y tế. Trong đó, trạm y tế điều trị ca bệnh không triệu chứng hoặc nhẹ; bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương điều trị ca nặng hoặc nhóm nguy cơ cao như trẻ sơ sinh, người cao tuổi, bệnh nền, thai phụ, người suy giảm miễn dịch.
Nguyên tắc điều trị chung là giám sát và cách ly, chủ yếu điều trị triệu chứng, đảm bảo dinh dưỡng, cân bằng điện giải và hỗ trợ tâm lý, dùng thuốc đặc hiệu với nhóm nguy cơ cao và theo dõi dấu hiệu chuyển nặng hoặc biến chứng.
Chiến lược cách ly điều trị này từng được áp dụng cho bệnh nhân Covid-19 từ khi bệnh dịch mới xuất hiện, đến nửa tháng 7 năm ngoái Việt Nam mới thử nghiệm và sau đó tiến hành cách ly điều trị tại nhà.
Ở thể nhẹ của đậu mùa khỉ, người bệnh được hạ sốt, giảm đau, chăm sóc tổn thương da, mắt, miệng; đồng thời theo dõi các biến chứng như viêm phổi, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn huyết, viêm não... Với thể nặng, bệnh nhân điều trị ở khoa hồi sức, điều trị các thuốc đặc hiệu như tecovirimat, cidofovir, brincidofovir, globulin miễn dịch tĩnh mạch tùy tình trạng bệnh lý.
Đậu mùa khỉ có thể biến chứng nguy hiểm, gồm giảm thị lực, giảm ý thức, hôn mê, co giật, suy hô hấp, chảy máu, giảm số lượng nước tiểu, bị nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn. Lúc này, bệnh nhân sẽ được cơ sở y tế xem xét chuyển tuyến điều trị.
Người bệnh xuất viện nếu cách ly tối thiểu 14 ngày và không có triệu chứng bệnh, không xuất hiện tổn thương mới trên da trong vòng tối thiểu 48 giờ, các tổn thương cũ đã đóng vảy.
Bộ Y tế cũng hướng dẫn các tiêu chí xác định ca nghi mắc và ca nhiễm. Trong đó, ca nghi mắc là người từng đi du lịch tới quốc gia có bệnh đậu mùa khỉ hoặc tiếp xúc với vật dụng chứa virus trong vòng 21 ngày trước khi có triệu chứng, hoặc có dấu hiệu lâm sàng... Ca nhiễm là những người xét nghiệm dương tính với virus đậu mùa khỉ.
Hiện, Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm đậu mùa khỉ. Ngoài ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, Bộ Y tế đã liên hệ WHO, Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ về sinh phẩm xét nghiệm và vaccine phòng bệnh, đồng thời chỉ đạo tăng cường giám sát ca bệnh tại cửa khẩu.
Ở TP HCM, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là tuyến cuối điều trị ca nặng. Thành phố cũng đề xuất áp dụng trở lại khai báo y tế với người nhập cảnh, người nghi mắc hoặc mắc đậu mùa khỉ tự cách ly tại nhà 21 ngày. Hiện Bộ Y tế chưa có ý kiến về đề xuất này.
Tính đến 29/7, thế giới ghi nhận 21.148 ca mắc đậu mùa khỉ tại 78 quốc gia. CDC Mỹ, hầu hết ca mắc đậu mùa khỉ nhẹ, một số tự hồi phục, tỷ lệ tử vong chỉ 0,03%, thấp hơn so với Covid-19. Số ca mắc gia tăng nhanh chóng trong một tuần trở lại đây.
Chi Lê