Đám đông biểu tình Armenia, trong đó có nhiều người trẻ, ngày 20/9 tập trung ở Quảng trường Cộng hòa tại trung tâm thủ đô Yerevan. Samvel Sargsyan, sinh viên 21 tuổi, nói rằng chính phủ Armenia nên giúp đỡ lực lượng ly khai ở Nagorno-Karabakh.
"Chúng tôi cần Armenia hợp tác với Artsakh và chiến đấu", Sargsyan nói, sử dụng tên Cộng hòa Artsakh mà phe ly khai ở Nagorno-Karabakh đặt cho vùng lãnh thổ.
Nhiều người biểu tình hô vang "Artsakh!" và chỉ trích Thủ tướng Armenia Nikol Vovayi Pashinyan. Thủ tướng Armenia cũng bị một số đối thủ chính trị kêu gọi từ chức.
Nhóm ly khai ở Nagorno-Karabakh trước đó cùng ngày ký thỏa thuận ngừng bắn với quân đội Azerbaijan, chấp nhận buông vũ khí và giải tán lực lượng. Phe ly khai còn chấp thuận đề xuất từ chính quyền Azerbaijan về các cuộc đàm phán nhằm tái hòa nhập khu vực này vào Azerbaijan.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan khẳng định phe ly khai đã đầu hàng, thêm rằng họ sẽ phải bàn giao toàn bộ đạn dược và thiết bị quân sự hạng nặng.
Azerbaijan nhấn mạnh sẽ đảm bảo "lối đi an toàn" cho chiến binh phe ly khai đã hạ vũ khí. Nhiều khả năng nhóm này sẽ đến Armenia.
Thủ tướng Armenia Pashinyan nói rằng ông hy vọng lực lượng gìn giữ hòa bình Nga sẽ đảm bảo để 120.000 cư dân gốc Armenia ở Nagorno-Karabakh có thể "tiếp tục sống trong nhà, trên đất của họ".
Nagorno-Karabakh tách khỏi Azerbaijan kể từ khi lực lượng ly khai thân Armenia kiểm soát vùng này sau cuộc chiến đầu thập niên 1990. Hai bên nhiều lần đụng độ sau đó, đỉnh điểm là cuộc chiến năm 2020, giúp Azerbaijan giành lại một phần lãnh thổ từ phe ly khai.
Armenia tháng 11/2020 chấp nhận ký thỏa thuận ba bên với Azerbaijan và Nga để chấm dứt 6 tuần giao tranh ác liệt khiến hàng nghìn người thiệt mạng tại vùng xung đột Nagorno-Karabakh. Nga điều lực lượng giữ gìn hòa bình khoảng 2.000 người đến khu vực để giám sát lệnh ngừng bắn.
Tuy nhiên, căng thẳng khu vực này lại leo thang từ năm ngoái, khi Nga tập trung nguồn lực cho chiến sự ở Ukraine và suy giảm ảnh hưởng ở vùng Kavkaz.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)