Đường hô hấp trên khi bị tắc nghẽn một vị trí nào đó, nguy cơ gây cơn ngủ ngáy. Trường hợp bít tắc dẫn đến không khí không qua được, sẽ gây những đợt ngưng thở khi ngủ. Người bệnh đang thở đều sẽ có đợt ngưng thở trên 5 giây. Điều này gây ảnh hưởng đến não, bởi trong thời điểm ngưng thở, máu sẽ bị thiếu oxy cung cấp cho não. Khi não thiếu oxy sẽ làm tim mạch hoạt động nhiều hơn để bơm cung cấp máu.
Lâu dần, bệnh nhân sẽ có những cơn tăng huyết áp không kiểm soát được, đặc biệt là ban đêm. Khi tăng huyết áp, tim hoạt động rất mạnh, có thể tăng lên 120-150 lần/phút khi đang ngủ. Khi người bệnh thiếu oxy não, không có giấc ngủ ngon, ban ngày sẽ không tỉnh táo, không tập trung, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, công việc cũng như tâm lý.
"Ngưng thở khi ngủ làm tăng nguy cơ tử vong gấp 3 lần trong vòng 15 năm", TS.BS Võ Công Minh, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện FV, nói tại hội thảo tiếp cận và điều trị bệnh này, ngày 20/7.
Thống kê ghi nhận khoảng 8,5% dân số Việt Nam mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Theo bác sĩ Minh, bệnh bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như do sự thay đổi về lối sống, thừa cân, béo phì và các bệnh lý mạn tính khác. Do đó, quá trình thăm khám và điều trị phải phối hợp đa chuyên khoa, đa phương pháp để có hiệu quả tối ưu.
Chẳng hạn, với chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) - xảy ra khi đường thở bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn, trước tiên bệnh nhân cần được các bác sĩ tai mũi họng tầm soát và đánh giá đường hô hấp trên thông qua kiểm tra kết quả đa ký khi ngủ hoặc khám tai mũi họng toàn diện và nội soi. Ngoài ra, nhiều phương pháp khảo sát khác cũng có thể được áp dụng như X-ray, nội soi huỳnh quang, CT Scan, MRI, đo phân tích sọ mặt, CT cone beam 3D... Từ kết quả tầm soát, các bác sĩ sẽ dựa vào chỉ số ngưng thở khi ngủ để chỉ định phẫu thuật hay điều trị nội khoa.
Một nguyên nhân khác của hội chứng ngưng thở khi ngủ là do cấu trúc xương hàm phát triển bất thường (lùi hàm), gây hẹp hoặc tắc đường thở khi ngủ. Điều trị hội chứng này sẽ cần có thêm sự tham gia của chuyên gia phẫu thuật hàm mặt. Một số trường hợp, bệnh nhân được chỉ định đeo khí cụ nha khoa để giúp đẩy trượt hàm dưới ra trước khi ngủ.
Nếu nặng hơn, bệnh nhân sẽ có chỉ định phẫu thuật cắt trượt xương hàm trên và xương hàm dưới ra trước. Phương pháp này cho thấy hiệu quả cao, giúp ổn định thành hầu bên không bị sụp lại so với các can thiệp liên quan đến vùng vòm hầu khác. Tỷ lệ phẫu thuật thành công cao, giảm chỉ số ngưng thở khi ngủ từ 33,9 xuống 9,5, tỷ lệ khỏi hoàn toàn từ 30-40%.
Bác sĩ khuyến cáo béo phì là một yếu tố nguy cơ chính gây OSA, với trọng lượng cơ thể tăng 10% thì nguy cơ mắc bệnh tăng gấp 6 lần. Do đó, việc giảm cân rất quan trọng, giúp giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của bệnh. Để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ, người béo phì cần áp dụng các biện pháp giảm cân, tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập luyện khoa học và kết hợp dùng thuốc khi cần.
Trường hợp bệnh nhân có chỉ số khối cơ thể trên 35 hoặc trên 30 kèm nhiều bệnh nền, việc giảm cân bằng dinh dưỡng, tập luyện và dùng thuốc không đáp ứng, có thể cân nhắc phẫu thuật thu nhỏ dạ dày. Một nghiên cứu cho thấy trong số 14.000 bệnh nhân thực hiện phẫu thuật thu nhỏ dạ dày giảm cân, khả năng cải thiện ngưng thở khi ngủ đạt từ 77-86%, hầu hết không còn cần mang máy thở áp lực dương lúc ngủ.
Lê Phương