Mùa thu năm 1942, đảo Guadalcanal thuộc quần đảo Solomon gần Australia trở thành tâm điểm của trận chiến Thái Bình Dương. Trong vòng 6 tháng, quân đội Mỹ và Nhật Bản đã giao tranh ác liệt trên đất liền, trên không và trên biển để giành quyền kiểm soát hòn đảo và sân bay chiến lược ở đây.
Đối với hải quân Mỹ, từng luôn xem thường hải quân đế quốc Nhật Bản, trận chiến trên đảo Guadalcanal thực sự là một cú sốc. Thảm họa Trân Châu Cảng có thể được giải thích xảy ra là do yếu tố bất ngờ và hành động nghi binh của Nhật, nhưng trong những cuộc đối đầu ngoài khơi Guadalcanal, hải quân Mỹ đã mất tới 24 tàu chiến. Loại vũ khí khiến Mỹ phải hứng chịu thiệt hại nặng nề như vậy chính là "Trường thương", ngư lôi uy lực nhất của Nhật Bản trong những năm đầu của Thế chiến II, theo National Interest.
Ngư lôi "Trường thương" (theo cách gọi của người Mỹ), được Nhật Bản phát triển từ cuối thập niên 1920 với định danh "Type 93", là một vũ khí khá đặc biệt. Theo cách nói hiện đại, nó là một vũ khí phi đối xứng, được thiết kế để bù đắp cho vị thế yếu của Nhật Bản trước các nước phương Tây có nền kinh tế lớn hơn. Một số tính năng của vũ khí này tương đương với các tên lửa diệt hạm siêu thanh hiện nay mà Nga và Trung Quốc dùng để đối phó với lực lượng hải quân mạnh hơn của Mỹ.
Khi Thế chiến II nổ ra, Nhật Bản đã áp dụng chiến lược kiên trì tiến hành chiến tranh để đánh bại kẻ thù mạnh hơn. Theo chiến lược "trận đánh quyết định", Nhật Bản sẽ chiếm Philippines và khi hải quân Mỹ đi qua Thái Bình Dương để giành lại Manila, Nhật Bản sẽ sử dụng máy bay, tàu ngầm và tàu khu trục liên tục tấn công khiến hải quân Mỹ mệt mỏi và tiêu hao sinh lực. Khi hải quân Mỹ suy yếu đáng kể, hạm đội tàu chiến Nhật Bản sẽ xuất kích đánh chìm các tàu chiến Mỹ trong các trận hải chiến quy mô lớn gần Philippines.
Để thực hiện kế hoạch này, hải quân đế quốc Nhật Bản đã liên tục huấn luyện các tàu mặt nước thực hiện các cuộc đột kích vào ban đêm để phát hiện và dùng ngư lôi tiêu diệt tàu chiến địch. Để bù đắp cho việc thiếu radar trên tàu chiến, hải quân phát xít Nhật huấn luyện rất gắt gao đội ngũ lính cảnh giới được trang bị ống nhòm nhìn đêm mạnh mẽ. Tuy nhiên, những điều này sẽ không có nghĩa lý gì nếu tàu chiến Nhật không được trang bị một loại ngư lôi mạnh, và "Trường thương" đã mang lại kết quả hơn cả mong đợi.
Tàu chiến Australia vỡ làm đôi trong một cuộc thử nghiệm ngư lôi
"Trường thương" là loại ngư lôi cỡ lớn với đường kính khoảng 61 cm, dài hơn 9 m và nặng gần ba tấn. Đầu đạn ngư lôi nặng 490 kg, gần gấp đôi đầu đạn các loại ngư lôi lớn khác.
Phần quan trọng nhất của ngư lôi này là hệ thống đẩy. Khác với đa số ngư lôi của các quốc gia khác sử dụng hệ thống đẩy bằng hơi nước, diesel hay điện, ngư lôi Nhật Bản sử dụng hệ thống đẩy bằng khí ô-xy, giúp nó có thể phóng được quãng đường 19,3 km ở vận tốc 24,7 m/s, hoặc đoạn đường xa đến không tưởng 38,6 km, tương đương tầm bắn của pháo trên thiết giáp hạm, ở vận tốc 18,52 m/s. Ngư lôi này cũng không để lộ bong bóng trên mặt nước, khiến các tàu chiến của đối thủ không hề biết nó đang lao tới.
Trong khi đó, ngư lôi Mark 15 trên các khu trục hạm Mỹ chỉ có trọng lượng một tấn và đầu đạn nặng 374 kg. Tầm bắn tối đa của Mark 15 chỉ là 12,8 km, bằng 1/3 tầm bắn của "Trường thương". Thực tế này khiến hải quân Mỹ thời đó chủ yếu dựa vào các khẩu pháo hạm thay vì ngư lôi trong các trận hải chiến.
Mỹ nhanh chóng cảm nhận được uy lực của ngư lôi "Trường thương". Trong trận chiến trên đảo Savo, một lực lượng tinh nhuệ gồm các tuần dương hạm hạng nặng - thứ vũ khí mà Mỹ không bao giờ ngờ là sẽ được đối phương sử dụng để tấn công ban đêm - và khu trục hạm của Nhật bất ngờ đột kích lực lượng đồng minh, đánh chìm ba tàu Mỹ và một tuần dương hạm hạng nặng của Australia.
Hải quân Mỹ buộc phải rút lui sau đó, khiến các đơn vị thủy quân lục chiến đồn trú trên đảo Guadalcanal lâm vào cảnh khốn đốn. Tại trận chiến Tassafaronga vào đêm 30/11/1942, hạm đội khu trục hạm "Tokyo Thần tốc" của Nhật đã đánh chìm một tàu và làm hư hại nặng ba tuần dương hạm hạng nặng của hải quân Mỹ, trong khi họ chỉ bị mất một khu trục hạm.
Nhật Bản không chỉ giành ưu thế nhờ ngư lôi "Trường thương" mà họ còn có một loại vũ khí lợi hại khác, đó là những đôi "mắt thần" của lính cảnh giới.
Hải quân Mỹ tin tưởng vào radar mới phát triển trang bị cho các tàu mặt nước nhưng các radar thô sơ này không đáng tin cậy và người vận hành nó chưa có kinh nghiệm. Trong khi đó, lính cảnh giới của Nhật Bản liên tục phát hiện tàu chiến Mỹ từ khoảng cách xa đến khó tin.
Một khi lính cảnh giới phát hiện đối thủ, các tuần dương hạm và khu trục hạm của Nhật có thể lập tức tung đòn đánh bất ngờ ở khoảng cách an toàn mà không hề lo bị lộ vị trí, bởi ngư lôi "Trường thương" không phát ra tiếng nổ và chớp lửa trong đêm tối như pháo hạm.
Tuy nhiên, cùng với thời gian và trải qua thực chiến, công nghệ và chiến thuật radar của Mỹ dần được cải tiến, xóa bỏ khoảng cách mà ngư lôi "Trường thương" và những cặp mắt cảnh giới tinh anh tạo ra cho các tàu chiến Nhật.
Trong trận hải chiến đảo Guadalcanal lần thứ hai vào tháng 11/1942, hải quân Nhật Bản mất hai thiết giáp hạm và nhiều tàu chiến khác, và cuối cùng thất thủ ở đảo Guadalcanal. Ngư lôi "Trường thương" cũng trở thành dĩ vãng, khi những chiếc tàu sân bay và máy bay chiến đấu dần dần thống lĩnh các đại dương.
Duy Sơn