Trong thập niên 1970, Liên Xô phát triển ngư lôi siêu khoang VA-111 Shkval có vận tốc hơn 370 km/h, nhanh hơn bất kỳ ngư lôi nào của NATO. Tuy nhiên, tầm bắn của nó chưa tới 16 km, so với mức 50 km của ngư lôi Mark 48 do Mỹ chế tạo. Shkval cũng không thể sử dụng hệ thống dẫn đường thủy âm (sonar) khi đang hành trình, buộc tàu ngầm phải áp sát mục tiêu, khiến nó bị chê là vũ khí tự sát.
Tuy nhiên, Nga đang phát triển dòng ngư lôi Khishchnik (Chim ăn thịt), nhiều khả năng sẽ khắc phục những điểm hạn chế của Shkval, theo National Interest.
Theo chuyên gia quân sự David Hambling, tốc độ hành trình cao của ngư lôi Shkval dựa trên nguyên lý tạo siêu khoang. Hệ thống khí nén xả ra ở mũi ngư lôi, kết hợp với hình dáng đầu tù và một đĩa phẳng ở phần mũi để tạo thành bóng khí mỏng bao quanh thân, cách ly nó khỏi khối nước xung quanh, giúp giảm lực cản, cho phép ngư lôi đạt vận tốc 370 km/h.
Hambling cho rằng Shkval không hoàn toàn chỉ sử dụng động cơ phản lực như nhiều người lầm tưởng. Động cơ tên lửa giúp ngư lôi đạt vận tốc tạo siêu khoang, sau đó động cơ phản lực dòng nước sẽ giữ tốc độ hành trình, sử dụng nhiên liệu từ hợp chất magiê và nước biển làm chất ôxy hóa.
Tuy nhiên, hạn chế của ngư lôi Shkval là không thể mang theo thiết bị định vị thủy âm (sonar) để tìm kiếm và xác định mục tiêu, bởi đĩa tạo bọt trên mũi của nó quá nhỏ, không đủ không gian chứa hệ thống này, đồng thời động cơ quá ồn khiến sonar không thể định dạng mục tiêu.
Để khắc phục điều này, Nga đã phát triển một thiết bị tạo bọt mới trên ngư lôi Khishchnik. Phần mũi dẹt được thiết kế lại theo hình cong parabol, với phần trên đủ lớn để chứa đầu dò sonar cùng bộ khuếch đại âm thanh và lọc tiếng ồn động cơ. Điều này khiến ngư lôi siêu khoang có thể sử dụng hệ thống dẫn đường, bám bắt mục tiêu bằng sonar.
Để khắc phục nhược điểm tầm bắn ngắn của ngư lôi Shkval, Nga đã sử dụng nhiên liệu cải tiến trên ngư lôi mới, giúp nó tăng đáng kể tầm bắn. Chuyên gia Nga ước tính Khishchnik có thể đạt tầm bắn gấp 10 lần so với Shkval, cho phép tàu ngầm khai hỏa từ khoảng cách lớn hơn, tránh bị đối phương phát hiện và đáp trả.
Hiện có rất ít thông tin về ngư lôi Khishchnik. Trang tin quốc phòng BMPD cho biết dự án Khishchnik được công ty Elektropribor phát triển từ năm 2013 và các vụ phóng thử dự kiến diễn ra từ năm 2016 theo bản hợp đồng trị giá 53 triệu USD. Quân đội Nga không đưa ra thông báo hay xác nhận thông tin này.
Theo chuyên gia quân sự Alexander Korolkov, việc hiện đại hóa VA-111 Shkval có thể sẽ dẫn đến những thay đổi cơ bản trong thiết kế, hình dáng và cả chiến thuật sử dụng. Nga đang tập trung hiện đại hóa dòng ngư lôi này, đồng thời chế tạo ngư lôi cỡ nhỏ với chiều dài khoảng 30 cm, có khả năng di chuyển chậm để không bị phát hiện. Chúng có thể được bắn ra với số lượng rất lớn, trước khi lao vào mục tiêu và phát nổ.
Những nỗ lực của phương Tây nhằm sao chép công nghệ siêu khoang đến nay vẫn chưa thành công. Dù gặt hái nhiều thành tựu trong phòng thí nghiệm, họ chưa thể chế tạo khí tài có khả năng vận hành thực tế.
Cơ quan nghiên cứu các dự án phòng thủ tiên tiến (DARPA) trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ có tham vọng chế tạo tàu ngầm siêu khoang đạt vận tốc trên 160 km/h, nhưng không thu được kết quả nào sau ba năm hợp tác với công ty đóng tàu Electric Boat. Dự án ngư lôi siêu khoang của hải quân Mỹ bị trì hoãn từ năm 2002 với lý do cần tìm hiểu thêm nguyên lý vật lý cơ bản của công nghệ này.
Cơ chế hoạt động của ngư lôi Shkval
Duy Sơn