Ngư dân Philippines gặp khó khăn vì căng thẳng tại bãi cạn tranh chấp Scarborough/Hoàng Nham. Ảnh: VOA |
Căng thẳng giữa quốc đảo Đông Nam Á và Trung Quốc không chỉ xoay quanh vấn đề đất đai, dầu mỏ, mà còn vì lượng cá và các nguồn tài sản khác trên biển. Trong khi các chính trị gia cố gắng giải quyết xung đột, ngư dân Philippines và cả Trung Quốc phải cố gắng trụ vững, mong vượt qua cơn giông tố này.
Khu vực bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham vốn giàu sản lượng cá và hải sản. Khi căng thẳng xảy ra, thu nhập của hơn 2.000 gia đình ngư dân Philippines ở Masinloc, tỉnh Zambales, giảm đi đáng kể. Các ngư dân phải tập hợp nhau lại và đi đánh cá gần bờ.
Miguel Bitana, một ngư dân, cho biết nếu đánh bắt gần bờ, ông phải mất cả tuần hoặc chục ngày mới kiếm được lượng cá bằng với khi đánh bắt ở bãi cạn chỉ trong vài ba ngày.
"Thực sự là nguồn cá giảm đi rất nhiều. Cá ngày càng hiếm", VOA dẫn lời ông Bitana nói về sản lượng gần bờ.
"Điều nữa khiến chúng tôi buồn, là đã có lệnh cấm đánh bắt cá tại bãi cạn, nhưng sao tàu Trung Quốc vẫn đánh cá? Trong khi đó thì tàu chúng tôi dù chỉ đi ra đó cũng không được?", ông Bitana nói thêm.
Video: Ngư dân Philippines gặp khó vì tranh chấp
Trong khi đó, tại các vùng nước quanh Hong Kong, nguồn tài nguyên thủy sản giảm sút khiến ngư dân phải bất chấp nguy hiểm, đến những nơi có tranh chấp về chủ quyền để đánh cá.
Pang Wah-kan, giám đốc Hội liên hiệp nghề cá của Hong Kong, cho biết các bạn nghề của ông bắt đầu đánh cá ở khu vực biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) từ những năm 1960. Có nhiều lần các tàu của họ bị nhà chức trách Philippines và Malaysia bắt giữ, phạt hoặc tịch thu hàng.
Nestor Daet, trưởng nhóm giám sát đánh cá ở Masinloc nói số tàu của Philippines tại bãi cạn tranh chấp là quá nhỏ so với Trung Quốc.
"Tôi nghĩ chính phủ đã cử hai hoặc bốn tàu cá và một tàu bảo vệ bờ biển đến đó. Tuy nhiên, so với các tàu Hải quân của Trung Quốc thì chúng tôi quá nhỏ bé", Daet nói. "Như David đọ với Goliath!".
Tuy nhiên, bất chấp những "cơn bão tố" ở cấp cao, những người đánh cá Philippines cho biết quan hệ của họ với ngư dân Trung Quốc vẫn rất thân thiện. Họ thường trao đổi cá và giúp đỡ nhau mỗi đánh bắt xa bờ. Họ hy vọng rằng sự tương trợ đó vẫn duy trì được trong những mùa cá sau.
Vũ Hà