Hai mống cầu cũ còn sót lại đó, chính là một trong những hiện vật còn sót lại của tuyến xe lửa đầu tiên của Việt Nam và Đông Dương: tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho. Tuyến xe lửa này dài 70 km, khởi công xây từ năm 1881, bắt đầu hoạt động ngày 20-7-1885.
Cũng theo sử liệu, từ ngày có tuyến đường sắt này, giao thương với Sài Gòn thông suốt, đã làm cho kinh tế của Mỹ Tho (Tiền Giang) có bước tiến đáng kể, khiến nơi đây được xem là một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thời bấy giờ.
Một số đặc sản của Mỹ Tho nhờ tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho mà vang danh khắp nơi như: Hủ tiếu Mỹ Tho, kẹo chuối Mỹ Tho, mận Hồng Đào Trung Lương... Cải lương, một bộ môn nghệ thuật mới được ra đời đầu thế kỷ XX, một phần cũng nhờ vào tuyến đường xe lửa này mà nổi tiếng gần xa.
Theo ghi chép, khi gánh cải lương của Thầy Năm Tú chưa lên Sài Gòn - Chợ Lớn biểu diễn, thì người hâm mộ, nhất là giới thượng lưu, trung lưu thường đi xe lửa xuống Mỹ Tho xem cải lương, rồi đến khách sạn Minh Tân ngủ qua đêm, để sáng hôm sau điểm tâm bằng hủ tiếu Mỹ Tho, mua vài gói kẹo chuối làm quà, rồi lên xe lửa trở về Sài Gòn...
Tôi lại nhớ những lần mình xuôi tàu từ TP HCM đi chơi ở Phan Thiết, Phan Rang - Tháp Chàm, Nha Trang... hay đi tận Huế. Thú vui đi du lịch bằng tàu hỏa là vừa an toàn, vừa thong dong ngắm cảnh đất nước.
Tuy đã có đường bộ cao tốc từ TP HCM về đến Mỹ Thuận, nhưng tuyến đường này vẫn còn hạn chế. Nếu nâng cấp, thì cũng không hoàn toàn có được những ưu điểm của đường sắt.
Đọc xưa nghĩ nay, tôi nghĩ thật đáng tiếc khi đường ray xe lửa Bắc - Nam dừng tại ga Sài Gòn. Với địa hình đất nước, không những cần khôi phục lại đường sắt TP HCM - Mỹ Tho, mà cần kéo dài tới Cần Thơ, thậm chí Cà Mau.
Ngoài phát triển du lịch của các địa phương theo đường ray tàu đến, người dân miền Tây mỗi lần về quê dịp lễ, Tết có thêm một lựa chọn ngoài đi ôtô, xe khách và nhất là đi xe máy phải chịu đựng khói bụi, nắng nóng. Việc vận chuyển hàng hóa, trái cây từ các tỉnh đi TP HCM, Hà Nội và xuất khẩu cũng thuận lợi hơn.
Đường sắt tốc độ cao nối Đông Nam Bộ với thủ phủ miền Tây được quy hoạch hơn 10 năm trước, dài 174 km, đi qua Bình Dương, TP HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ. Điểm đầu tuyến ở ga An Bình (TP Dĩ An, Bình Dương), điểm cuối tại ga Cần Thơ (quận Cái Răng). Dự án được nghiên cứu với tổng đầu tư 9 tỷ USD, khổ đường 1.435 mm, tốc độ thiết kế lớn nhất 190 km/h. |
Ba Phong
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.