Tổng thống Putin thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc ngày 16-17/5 theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình, để thảo luận về "củng cố quan hệ đối tác toàn diện và trao đổi chiến lược" Moskva - Bắc Kinh. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Putin kể từ khi nhậm chức nhiệm kỳ 5 ngày 7/5.
Chuyến thăm mang tính biểu tượng, nhấn mạnh quan hệ hợp tác Nga - Trung trong bối cảnh hai đất nước đang đối mặt nhiều thách thức trong quan hệ với Mỹ và châu Âu. Ông Tập đã chủ trì lễ đón chính thức ông Putin tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, sau đó cùng hội đàm để thảo luận về hợp tác song phương.
Judi James, chuyên gia ngôn ngữ cơ thể người Anh, tác giả của 26 cuốn sách về ngôn ngữ cơ thể, nhận xét trong lễ đón và hội đàm, ông Putin đã cố gắng sử dụng những cử chỉ tinh tế nhằm thể hiện sự gắn kết giữa hai lãnh đạo.
Video lễ đón tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 16/5 cho thấy sau khi rời khỏi xe, ông Putin bước nhanh về phía thảm đỏ, nơi ông Tập đang đứng chờ sẵn. Hai lãnh đạo bắt tay, chào hỏi, sau đó cùng di chuyển trên thảm đỏ tới vị trí thực hiện nghi thức.
"Các lãnh đạo thường thể hiện phong cách của mình qua việc họ đi lại hay sải bước của họ khi tới chào khách, hoặc áp dụng các tín hiệu áp đảo như 'cú bắt tay rung lắc' hay cử chỉ vỗ vào mu bàn tay mà Donald Trump thường làm", James nói.
Chuyên gia này cũng nói rằng khi các lãnh đạo thế giới muốn thể hiện tính tích cực, liên minh chiến lược giữa hai nước, họ thường có những cử chỉ "đồng thanh tương ứng" với nhau để cho thế giới thấy mối quan hệ khăng khít giữa hai bên.
"Ông Putin thể hiện rõ những tín hiệu ấy, nhưng ông Tập dường như không bắt được thông điệp này, hoặc chưa nắm rõ về quy tắc hưởng ứng đối phương", bà nhận định. Bà cho rằng cử chỉ của ông Tập trong lễ đón "chỉ dừng ở mức thể hiện sự lịch sự".
Theo James, phân tích ảnh bắt tay giữa hai lãnh đạo cũng cho thấy sự khác biệt đáng chú ý. Khi bắt tay, ông Tập quay mặt về phía trước, cánh tay chìa sang một bên xa người, lòng bàn tay siết chặt tay ông Putin.
"Mặt ông ấy tỏ vẻ lịch sự nhưng nụ cười lại hướng về phía ống kính", bà nói. "Nụ cười của ông Putin tươi hơn, gò má nhô cao, cánh tay ngang người, thể hiện cú bắt tay nhiều tính cá nhân hơn".
"Ông Putin giao tiếp bằng ánh mắt, tạo cảm giác ông ấy muốn thu hút sự chú ý của ông Tập. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc nhìn về phía trước, không nhìn thẳng vào mắt người đang nói chuyện", chuyên gia này cho hay.
Bức ảnh Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc trao đổi văn kiện cũng cho thấy lãnh đạo đều mỉm cười và ông Putin "một lần nữa sử dụng ngôn ngữ giao tiếp thông qua ánh mắt để thu hút sự chú ý".
Trung Quốc đã chứng minh vai trò huyết mạch kinh tế với Nga từ khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt chưa từng có lên Moskva sau khi xung đột với Ukraine bùng nổ. Ông Putin đánh giá cao người đồng cấp Trung Quốc, bày tỏ ngưỡng mộ với văn hóa Trung Quốc, thậm chí tiết lộ có người nhà đang học Hán ngữ.
Tuy nhiên, cả ông Putin và ông Tập đều muốn thể hiện mặt trận thống nhất trước áp lực của Mỹ, theo Hoo Tiang Boon, giáo sư nghiên cứu chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Nanyang Singapore.
"Cả hai bên đều muốn chứng tỏ dù thế giới đang xảy ra chuyện gì, dù hai bên đang đối mặt áp lực từ Mỹ, hai nước sẽ không quay lưng lại với nhau", ông nói.
Hồng Hạnh (Theo DM, AP)