![Công Phượng (phải) chia vui với Văn Thanh sau khi ghi bàn từ chấm phạt đền, ấn định chiến thắng 2-0 cho HAGL trên sân của Đà Nẵng ở vòng 8 V-League 2021. Ảnh: Đức Đồng.](https://vcdn1-thethao.vnecdn.net/2021/04/29/img-7506-jpg-1617942836-9391-1-3449-1977-1619664055.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jR0gCNkpWq6S4yfnRViMSQ)
Công Phượng (phải) chia vui với Văn Thanh sau khi ghi bàn từ chấm phạt đền, ấn định chiến thắng 2-0 cho HAGL trên sân của Đà Nẵng ở vòng 8 V-League 2021. Ảnh: Đức Đồng.
Trận derby thủ đô giữa Hà Nội và Viettel chứng kiến một con số bất ngờ: gần 100 phút, CLB Hà Nội không tung ra được một cú sút hoặc đánh đầu nào đúng hướng. Kiểm soát bóng 71%, có thời điểm lên đến 82%, nhưng tổng số cú sút cầu môn của Hà Nội trận này chỉ là bốn và không pha nào nguy hiểm thật sự.
Đấy là các con số đáng kinh ngạc nhưng không bất ngờ nếu nhìn vào bảng điểm sau vòng 8. Ba đội bóng dẫn đầu là HAGL (19 điểm), Quảng Ninh (18) và Viettel (16) đều giành bốn chiến thắng trong năm trận gần nhất, trong đó HAGL và Quảng Ninh đều thắng liên tiếp bốn trận. Những mạch trận ấn tượng đó đi kèm với năng lực phòng thủ đạt đến mức khó tin. HAGL đã năm trận đấu liên tiếp không thủng lưới, thành tích của Quảng Ninh là bốn trận. Như vậy, sau tám vòng, hai hàng phòng ngự này mới thủng lưới ba bàn - chưa từng xuất hiện trong lịch sử các khởi đầu của V-League. Riêng Viettel, họ đã ba trận giữ sạch lưới liên tiếp và cũng chỉ mới để thua sáu bàn sau tám trận.
Nếu chỉ một đội làm được điều đó thì có thể cho rằng, đấy là thành quả của lối phòng thủ bê tông. Nhưng nhiều đội cùng làm được, và làm một cách đều đặn, thì cần xem đấy là xu hướng mang yếu tố chiến thuật. Và không một ví dụ nào cụ thể hơn bằng các kết quả khó tin mà HAGL đã đạt được dưới tài cầm quân của Kiatisuk.
Phải đến khi đánh bại được Đà Nẵng, Kiatisuk mới nhắc đến yếu tố chiến thuật, điều mà HAGL trên thực tế đã bền bỉ thực hiện suốt năm vòng đấu kể từ sau Tết Nguyên đán nhưng mọi thứ chỉ thực sự đạt đến đỉnh cao trong chiến thắng trên sân Hòa Xuân. Nó cũng lý giải vì sao cầu thủ HAGL lại ăn mừng như thể họ vừa đoạt chức vô địch, còn Kiatisuk viết trên trang cá nhân "Well done boy" (Làm tốt lắm, các chàng trai). Có thể hiểu rằng, những gì mà Kiatisuk tính toán, thử nghiệm đã được các cầu thủ HAGL chuyển đổi thành công. Con đường họ chọn đã đúng. HAGL vẫn có thể chơi đẹp mắt nhưng bây giờ, đó là thứ bóng đá hướng đến chiến thắng chứ không phải "cho vui".
Cái cách HAGL bóp nghẹt lối chơi của Đà Nẵng thật sự khủng khiếp. Toàn trận, đội chủ nhà chỉ có đúng ba lần sút cầu môn, và không lần nào đưa bóng đi đúng hướng. Đà Nẵng không thể kiểm soát bóng nhiều hơn, không thể tổ chức tấn công đối thủ cho dù bị dẫn bàn. Lối đá phòng ngự khu vực, pressing tầm cao và triển khai tấn công bằng bóng dài của HAGL đã ghì chặt toàn bộ đội hình của Đà Nẵng gần như bất động trên mọi vị trí. HLV Lê Huỳnh Đức cùng trợ lý Nguyễn Việt Thắng vốn đều là các tiền đạo hàng đầu trước đây, suốt trận gần như chỉ biết ngồi yên trên băng ghế huấn luyện. Có lẽ từ kinh nghiệm bản thân, họ không thấy lối ra nào cho hàng công của đội mình cả.
Đây đã là trận thứ tám HAGL không để cho các đối thủ sút cầu môn quá 10 lần trong một trận đấu. Họ cũng dần dần kiểm soát các pha sút bóng nguy hiểm, giảm từ bốn lần ở trận thắng Bình Định tại vòng 3, xuống còn hai lần trước hàng công của CLB TP HCM, Viettel, Hải Phòng và bây giờ là hoàn toàn không để cho Đà Nẵng có chút cơ hội nào. Bây giờ có thể nói, HAGL đã trở thành một cỗ máy được vận hành một cách hoàn hảo, đến mức, kể cả khi thiếu một vài mắt xích quan trọng như Xuân Trường thì nó vẫn... chạy tốt hơn mong đợi.
![Kiatisuk vẫy tay chào các khán giả trên sân Hòa Xuân. Ảnh: Đức Đồng.](https://vcdn1-thethao.vnecdn.net/2021/04/29/dong3188-jpg-1617942963-4571-1-4888-7127-1619664056.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6_3xZQXusBBOrvMhbY7Vtw)
Kiatisuk vẫy tay chào các khán giả trên sân Hòa Xuân. Ảnh: Đức Đồng.
Tuy nhiên, không thể vội vàng cho rằng HAGL là đã đủ tầm vóc để vô địch. Sự tiến bộ của họ quá rõ ràng, nhưng cái công thức thành công của họ thì lại không phải là "bí kíp" riêng, hay không thể sao chép. Thực tế, CLB Sài Gòn ở giai đoạn I và Viettel của giai đoạn II mùa trước từng chọn lối chơi "không để thua" làm nền tảng thành công. Còn tại mùa này, đâu chỉ HAGL mới thấu hiểu được điều đó. Thậm chí, đội bóng của Kiastisuk còn phải mất thời gian để chuyển đổi tư duy chơi bóng, trong khi Quảng Ninh hay Viettel dễ dàng hơn nhiều. Cả hai đội bóng này đều không chịu áp lực phải đá cho thật đẹp mắt. Nền tảng mà HLV Phan Thanh Hùng để lại cho Quảng Ninh đủ để họ điều chỉnh cách chơi một cách dễ dàng để phù hợp với tình hình bấp bênh tài chính, lực lượng hiện nay. Còn với Viettel, đơn giản chỉ là "sao chép" công thức thành công mùa trước. Như vậy, HAGL chưa thể bứt đi, tạo khoảng cách an toàn, kể cả khi họ đạt đến sự hoàn hảo trong chiến thuật.
Nhưng cũng chính vì sự chắc chắn của các hệ thống phòng ngự từ ba đội đầu bảng nói trên, mà có thể nói dù mới hết vòng 8, cục diện V-League đang đổi chiều. Bằng phong độ hiện nay, xem như HAGL, Quảng Ninh và Viettel đã có suất trong tốp 6 đội tranh ngôi vô địch. Mục tiêu của họ là thắng thêm hai trận nữa trong năm vòng còn lại, hoặc là không để thua quá hai trận. Như vậy, mọi sự chú ý đang đổ dồn vào ba tấm vé còn lại để vào tốp 6, với một nhóm rất đông các "đại gia" như cựu vô địch như Bình Dương, Hà Nội, Đà Nẵng và những kẻ thách thức Bình Định, Nam Định và Thanh Hóa. Riêng CLB TP HCM, họ vừa thắng 3-0 trước SLNA - đội bóng quê hương của ông Nguyễn Hữu Thắng - Chủ tịch của... CLB TP HCM. Nhưng chừng đó chưa đủ với đội bóng do HLV Polking dẫn dắt khi mà họ đã thua đến 5 trận.
Song Việt