Sáng nay 26 Tết, tôi ghé qua chợ quê, con đường dẫn vào chợ bày la liệt các loại hoa Tết: từ mồng gà, mai kiểng mini, đến sắc vàng rực rỡ của hoa vạn thọ. Một chị quen bán hoa, vừa thấy tôi liền kéo vào: "Mua dùm chị mấy chậu vạn thọ đi em, hoa chị còn nhiều quá".
Chị kể, năm nay nhập 300 chậu hoa, nhưng đến giờ chỉ bán được vài chục chậu, chủ yếu là mối quen hoặc người kinh doanh mua về trưng cửa hàng.
"26 Tết rồi, còn có bữa 27, 28 với sáng 29 thôi". Mấy năm gần đây bán hoa Tết ế lắm, chắc năm sau chị bỏ nghề luôn," chị than thở, ánh mắt đầy lo âu.
Tôi tiếp tục dạo quanh chợ, thấy người bán hoa nào cũng đon đả mời chào, sẵn sàng giảm giá để mong vớt vát chút vốn. Nhưng thực tế ở quê tôi, năm nào hoa Tết cũng bán chậm. Tôi từng khuyên một đứa em không nên nhập hoa về bán Tết, vì đây là mặt hàng rủi ro cao, cạnh tranh nhiều, không "ngon ăn" như nhiều người lầm tưởng.
Người tiêu dùng không thể thiếu thịt, cá, rau củ để ăn Tết, nhưng hoa thì khác. Với nhiều gia đình, có hoa cũng được, không có cũng chẳng sao. Những năm kinh tế khó khăn, việc mua hoa trở thành một khoản chi tiêu xa xỉ mà người ta sẵn sàng cắt giảm. Những người bán hoa nếu không có mạng lưới khách quen hoặc kinh nghiệm buôn bán, rất dễ gặp cảnh ôm lỗ nặng.
Trong khi đó, giá hoa cao trước Tết cả tuần là chuyện bình thường, vì người bán phải trông cậy vào thời gian ngắn ngủi này để gỡ vốn, có lời, nhưng nhiều người vẫn mang tâm lý "chờ sát Tết để ép giá" của nhiều người mua.
Mỗi chậu hoa Tết không chỉ làm đẹp cho ngôi nhà, mà còn mang theo hy vọng và tâm huyết của người bán, của người nông dân vun trồng.
Tất nhiên, một khi ra buôn bán, không thể kêu gọi lòng trắc ẩn của khách hàng. Thế nên, như tôi chia sẻ, hoa Tết có cũng được, không có cũng không sao, nên những năm tới, người có ý định nhập hoa về bán phải hết sức cẩn thận, không phải cứ nhập hoa về là sẽ bán được hết đâu.
Ngọc Hải