"Tôi thấy một số người đang ôm nhiều đất hay có bình luận bàn lùi về việc đề xuất đánh thuế người có nhiều bất động sản. Người thực sự giàu đến mức không lo nghĩ về thuế bất động sản (BĐS) thứ hai, thứ ba, thứ n. Họ thậm chí chấp nhận đóng thuế, nhưng số người này không nhiều.
Tuy nhiên, số người giàu sơ sơ nhờ 'cò đất' này lại rất nhiều. Ở cơ quan tôi làm việc, có vài chục người mà đã gần chục anh, chị lao vào 'cò' đất. Đã có giai đoạn cả xã, cả huyện người người cò đất, nhà nhà cò đất với hy vọng cùng nhau thổi giá, cùng nhau làm giàu.
Chính những người giàu sơ sơ này đang hoang mang lo sợ khi nghe đến việc đánh thuế BĐS thứ hai trở lên, họ như đang ngồi trên đống lửa khi trót vay ngân hàng một đống tiền để mua đất, họ đang lo mất đi 'miếng bánh ngon'.
Một số lo phải bán cái nhà tiền tỷ mới xây, một số lo phải bán cái xe vừa mới mua khoe với hàng xóm bạn bè, một số lo không có tiền trả nợ ngân hàng...".
Độc giả Trần Kiều Vân bình luận như trên, ủng hộ việc cần đánh thuế người có nhiều BĐS để thị trường cân bằng hơn. Người có nhiều bất động sản, nhưng biết cách làm ăn, tạo lợi nhuận thì không sợ bị đánh thuế.
Bình luận này được viết sau bài 'Người giàu vẫn giàu dù bị đánh thuế bất động sản thứ hai'.
Đồng quan điểm, độc giả Bùi Thế Đô nói: "Phần lớn dân đầu cơ đang nợ ngân hàng khi bị dí thuế BĐS thứ hai sẽ bán vội. Nếu chủ nhà 'san sẻ chi phí', người thuê cũng có một cái quyền quan trọng là 'giá cao quá thì không thuê nữa'.
Từ thuê gần họ chuyển ra xa để có giá thấp hơn. Thậm chí, làm việc ở thành phố lớn mà chi phí quá cao thì họ về quê. Người cho thuê cũng không thể tăng giá vô tội vạ được".
"'Người Giàu' là người có tài sản dư dả lớn hơn nhiều so với mức tiêu dùng nên đương nhiên dù đánh thuế bất động sản thứ hai ở mức 2% một năm thì cũng mất 50 năm mới hết tài sản của họ. Ngoài ra họ còn biết nhiều cách kiếm tiền khác thì đâu khiến họ nghèo đi được.
Đánh thuế BDS thứ hai không phải để khiến người giàu nghèo đi mà là cách khiến họ điều chuyển sự chú ý từ việc thâu tóm đất đai nhà cửa khiến một địa phương bị 'thổi bong bóng giá đất' sang việc đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế tạo nhiều công ăn việc làm hơn cho người lao động.
Giới hạn sở hữu nhà tại một thành phố hoặc khu vực các quận nội đô của thành phố lớn giúp cho những người đang cư trú tại đó, có công ăn việc làm, có thu nhập ổn định dễ dàng mua được nhà để an cư lạc nghiệp hơn.
Tránh tình trạng 'vô gia cư trên chính nơi mình sinh ra'. Người muốn sở hữu nhiều bất động sản có thể mua ở mỗi tỉnh, mỗi thành phố một căn nhà thì vừa khuyến khích phát triển tại các nơi đó, vừa tránh tình trạng gây khan hiếm đẩy giá", độc giả Quang Tan bình luận.
>> Bạn đồng tình với những ý kiến trên? Chia sẻ quan điểm của bạn về email: bandoc@vnexpress.net hoặc nhấn vào box bên dưới.
Hữu Nghị tổng hợp