Hơn hai mươi năm sau tôi trở về, căn nhà năm xưa vẫn còn đó, người chủ mới không hề thay đổi màu sơn hay sửa chữa gì thêm. Tôi đứng ngẩn ngơ bên hàng rào nhìn thấy tôi của ngày thơ bé chạy tung tăng trong từng ngóc ngách ngôi nhà. Tôi thích thú trèo cầu thang, ra sân thượng với tay xuống ngọn táo tàu trước sân. Có những thứ đã qua rất lâu và tôi cũng chẳng còn sở hữu nó, nhưng thật sự lòng lại chẳng thể quên. Thứ hồi ức ấy nhức nhối trong tim mỗi khi chạm vào.
Nhớ ngày nhỏ khi ba má đi làm ăn xa, tôi hay đứng trước sân nhà cậu nhìn sang với một mớ tủi hờn. Tôi không hình dung rõ lắm cảm xúc lúc ấy, chỉ biết là ngại ngùng và chẳng muốn bước chân vào, dù lòng thật sự rất muốn và người chủ mới vẫn hay rủ sang chơi. Trong lòng một đứa trẻ lúc ấy có cảm giác thèm thuồng nhìn món đồ đã từng là của mình giờ trong tay kẻ khác, rất muốn có nó nhưng chẳng thể nào lấy được. Từ đó nung nấu trong tôi những ước mơ một ngày nào đó có thể mua lại căn nhà này. Lại một lần nữa tôi được chạy khắp các ngốc ngách như ngày xưa.
Học xong tiểu học, tôi theo gia đình đến phương xa lập nghiệp. Cấp ba tôi lại trở về. Bạn bè chung nhóm có nhiều đứa không biết chuyện nhà tôi. Đêm trăng rằm hôm ấy, trong lúc cả đám đạp xe qua nhà bạn chơi trở về ngang nhà, cậu bạn mới sau khi dò la tin tức từ đứa quen tôi lúc trước thì thầm hỏi “Nhà bạn này hồi xưa đó hả?”. Ngay giây phút câu hỏi ấy bật lên, không dưng tôi lại thấy sống mũi cay cay và vài giọt nước mắt tủi hờn lăn dài trên má. Tôi im lặng quay mặt về phía khác, cậu bạn không hỏi gì thêm nhưng lòng tôi lại có cơn sóng cồn cào rất buốt.
Khi xưa thơ bé, cái ngày hớn hở dọn sang nhà mới ghi rõ năm xây 1989, khi ba mua chiếc cúp cánh én chạy về, tôi bỏ luôn buổi cơm chiều leo tót lên xe bắt ba chở lên ruộng với niềm sung sướng vô bờ. Ngày ấy nhà tôi có chiếc tivi màu chừng 14 in. Tối nào mọi người cũng tập trung lại xem phim, coi cải lương. Tôi tha hồ nô đùa cùng lũ trẻ trong xóm, có đứa giỡn đã rồi ngủ gục bên thềm chờ hết phim người lớn lại gọi về. Buồn cười nhất là khi ba mua tủ lạnh về má cũng bắt chước người ta làm kem chuối, do không biết cho bột nhiều hay ít thế nào nên bột nửa sống nửa chín, làm cả đám trẻ trong xóm được ăn kem miễn phí, nhưng chủ yếu là ăn chuối còn bột thì nửa ăn nửa bỏ. Má từ bỏ luôn ý định làm kem bán từ đó.
Ngày ấy, tôi đâu ngờ có ngày đứng bên hàng rào thưa lén nhìn về nơi mình một thời nương náo, lòng vẫn thẹn với lòng vì nhiều điều ấp ủ còn dở dang. Lòng của những kẻ ly hương có nỗi niềm rất lạ. Một bờ ruộng nhỏ, một gốc tầm vông, một bụi keo già, một ngôi nhà đã từng ở đều trở thành thứ gì đó rất thiêng liêng của nỗi nhớ trong những chiều bàng bạc nơi xứ người. Nỗi lòng ấy chỉ những kẻ tha phương mới hiểu.
Ngôi nhà tôi từng sống như một phần hơi thở, khi lìa xa lòng không khỏi ngậm ngùi. Tôi yêu ngôi nhà mình bằng một tình yêu thiết tha. Nơi đã chở che cho tôi qua những ngày mưa nắng chói chang, qua miền ký ức tuổi thơ dạt dào kỷ niệm. Những dấu vết còn vương trên bờ tường cũ, những hình thù nguệch ngoac được vẽ lên với tất cả niềm vui, để rồi sau đó bị ba đánh vào mông rát rạt vì cái tội vẽ bậy. Qua rồi những lần chơi trốn tìm rồi nằm ngủ quên dưới hốc chân cầu thang.
Tết năm nay trở về lòng tôi ngơ ngác khi thấy màu sơn đã khác. Tự dưng tôi thấy tim mình hẫng một nhịp bẽ bàng, kiểu như ai đó đang quét lên tim mình một lớp sơn rất đượm và phủ lấp mọi thứ. Nhà chẳng còn là của tôi mà lại muốn mọi thứ vẹn nguyên như ngày rời đi đó đã là điều không thể. Biết vậy, nhưng lòng tôi vẫn ước ao họ giữ lại cái gì đó cho mình có cái mà nhìn, mà nhớ những năm tháng xa xưa ấy. Có lẽ là thật buồn cười vì nhiều lúc tôi vẫn có ý nghĩ đó là nhà của mình, rồi nhớ nhung nó vô điều kiện bằng một tình yêu vẹn nguyên. Thứ tình yêu ấy có lẽ chỉ đến một lần duy nhất trong đời, trong tuổi thơ - lứa tuổi còn khóc cười hồn nhiên trước những biến đổi của cuộc đời.
Nguyễn Thị Thanh Tuyền