Đứa trẻ được chôn trên đảo Alor, Indonesia cách đây 8.000 năm. Trong nghi thức chôn cất, những chiếc xương dài ở tay và chân đứa trẻ được chuyển đi nơi khác, một phần gương mặt được sơn bằng đất son, chất tạo màu thường dùng trong những lễ mai táng ở thế giới cổ đại.
"Người xưa bôi đất son lên má và trán đứa trẻ, đồng thời đặt khối đá cuội màu đỏ bên dưới đầu người chết khi chôn cất", trưởng nhóm nghiên cứu Sofia Samper Carro, giảng viên khảo cổ học ở Đại học Quốc gia Australia tại Canberra, cho biết trong nghiên cứu công bố hôm 28/10 trên tạp chí Quaternary International.
Đây không phải ngôi mộ duy nhất trong vùng không có xương tay và xương chân. Theo Samper Carro, tập tục này được ghi nhận ở vài ngôi mộ khác từ cùng thời kỳ ở Java, Borneo và Flores, nhưng đây là lần đầu tiên giới nghiên cứu bắt gặp trong ngôi mộ trẻ em.
Các nhà khảo cổ không rõ đứa trẻ là nam hay nữ, nhưng kết quả phân tích hàm răng và bộ xương cho thấy nhiều khả năng đứa trẻ chết trong khoảng 4 - 8 tuổi. Tuy nhiên, phân tích răng chỉ ra đứa trẻ khá lớn (6 - 8 tuổi) nhưng bộ xương lại quá nhỏ giống như chỉ 4 - 5 tuổi, chứng tỏ sự phát triển của nó có thể bị chững lại do yếu tố di truyền hoặc môi trường. Samper Carro cho biết cô và đồng nghiệp cần tiến hành thêm nghiên cứu để xác định bộ xương nhỏ do có liên quan tới chế độ ăn, môi trường hay sự cô lập về di truyền trên một hòn đảo. Một số loài thu nhỏ do sống trên hòn đảo biệt lập, như loài voi lùn đã tuyệt chủng sống ở đảo Flores.
Hộp sọ người lớn cổ đại tìm thấy ở Alor cũng rất nhỏ. Nếu di truyền không thể giúp lý giải vóc dáng thấp bé của họ, chế độ dinh dưỡng có thể đóng vai trò nào đó. Những người săn bắt - hái lượm này chủ yếu ăn động vật biển. Có bằng chứng sự bão hòa protein từ một nguồn thức ăn có thể gây ra các triệu chứng suy dinh dưỡng ảnh hưởng tới sự phát triển. Nhưng người dân đảo cũng có thể ăn nhiều nguồn thức ăn trên mặt đất nấm cục.
An Khang (Theo Live Science)