Cô gái khoảng 17 - 19 tuổi khi chết, được chôn cùng những đồ vật chứng tỏ chủ nhân ngôi mộ chuyên săn động vật lớn bằng cách ném lao, dùng mũi giáo nhọn bằng đá cho con vật lớn đã ngã xuống, sử dụng dao lưỡi đá để loại bỏ nội tạng cùng một số công cụ để lột da. Theo trưởng nhóm nghiên cứu Randy Haas, phó giáo sư nhân chủng học ở Đại học California, Davis, ngôi mộ cho thấy sự phân chia lao động theo giới nhiều khả năng công bằng hơn trong đời sống săn bắt - hái lượm.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ngôi mộ năm 2018 trong lúc khai quật tại di chỉ Wilamaya Patjxa nằm ở độ cao lớn tại Peru ngày nay. Họ xác định giới tính của bộ xương bằng cách phân tích xương và protein tìm thấy trong răng. Những đồ vật chôn cùng người chết thường là vật tùy thân khi họ còn sống. "Trong lịch sử, chúng ta gần như luôn cho rằng đàn ông săn bắt còn phụ nữ hái lượm. Chính vì vậy, phát hiện khảo cổ về phụ nữ chôn cùng công cụ săn bắt dường như không phù hợp với quan niệm phổ biến", Haas chia sẻ.
Để kiểm tra liệu người phụ nữ trong mộ có phải ngoại lệ hay không, nhóm nghiên cứu xét xét 429 bộ hài cốt ở 107 nghĩa trang tại Bắc Mỹ và Nam Mỹ từ cuối thế Canh Tân và đầu thế Toàn Tân, cách đây khoảng 8.000 - 14.000 năm. Trong số đó, 27 cá nhân được chôn cùng công cụ săn bắt, 11 người trong số đó là nữ và 15 là nam. Tập mẫu này đủ để rút ra kết luận phụ nữ có tham gia săn động vật lớn, theo kết luận công bố hôm 4/11 trên tạp chí Scientific Reports.
Theo giả thuyết trước đây, đàn ông đi săn và đem thịt về để nuôi phụ nữ và trẻ nhỏ, những người chuyên thu thập quả mọng, cây cỏ và hạt để bổ sung cho bữa ăn. Nhưng nghiên cứu gần đây chỉ ra săn bắt là hoạt động mang tính cộng đồng nhiều hơn, cần sự tham gia của mọi cá nhân để lùa động vật lớn. Vũ khí phổ biến thời cổ đại là giáo mác với độ chính xác thấp nên cần đông đảo cộng đồng hợp sức. Các nhà nghiên cứu cho biết, phân tích thêm nghĩa trang ở các nơi khác sẽ giúp hiểu rõ hơn sự phân chia lao động tiến hóa như thế nào trong xã hội săn bắt - hái lượm.
An Khang (Theo CNN)