Phát hiện đánh dấu bằng chứng lâu đời nhất về các cặp sinh đôi hợp tử được xác nhận bằng cách phân tích ADN cổ đại. Nằm ở di chỉ Krems-Wachtberg của nền văn minh Gravettian tại Áo, cặp sinh đôi được chôn bên cạnh một bé trai 3 tháng tuổi có thể là họ hàng 3 đời.
Hài cốt trẻ chưa trưởng thành từ cuối thời Đồ đá cũ vô cùng hiếm gặp, vì vậy, việc tìm ra hài cốt 3 đứa trẻ giúp các nhà nghiên cứu có thêm hiểu biết mới về tập tục chôn cất của người cổ đại. Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Vienna công bố phát hiện hôm 6/11 trên tạp chí Communications Biology.
Di chỉ Krems-Wachtberg là địa điểm khai quật cung cấp nhiều thông tin do vật chất hữu cơ được bảo quản nguyên vẹn trong lớp trầm tích. Tại đây, cách mặt đất 5 m, các nhà nghiên cứu tìm thấy nền lò sưởi nối với nhiều hố đất, mộ trẻ sơ sinh, và đồ tạo tác bao gồm tác phẩm nghệ thuật và đồ trang sức. Nhóm khảo cổ sử dụng phương pháp xác định niên đại bằng đồng vị carbon để xác nhận các ước tính.
Ngôi mộ đầu tiên có hình oval, chứa hài cốt hai đứa trẻ đặt trên nền đất son, nằm cạnh nhau và quay mặt về phía đông. Ngoài ra, trong mộ còn có 53 hạt làm từ ngà voi. Cách bố trí cho thấy những hạt này được xâu thành chuỗi. Mỗi hạt có kích thước đồng đều và không có dấu hiệu mài mòn, chứng tỏ chúng là tế phẩm dành cho người chết.
Sau khi đặt cặp song sinh vào mộ, người chôn không lấp đất ngay mà che kín bằng xương vai của voi ma mút. Phương thức chôn cất này giúp bảo quản hài cốt nguyên vẹn, cho phép các nhà nghiên cứu tiến hành phân tích ADN bằng răng của hai đứa trẻ. Kết quả hé lộ cặp song sinh ra đời đủ ngày đủ tháng. Một trong hai đứa trẻ chết khi chào đời trong khi đứa trẻ còn lại sống sót khoảng 50 ngày.
Đứa trẻ thứ ba nằm trong một hố đất dài và hẹp hơn tại di chỉ. Ngôi mộ này cũng chứa đồ trang trí dành cho người chết làm bằng ngà voi nhưng lấp kín bằng đất thay vì dùng tấm che bảo vệ, dẫn tới hài cốt được bảo quản kém hơn so với cặp song sinh ở ngôi mộ hình oval.
An Khang (Theo IFL Science)