Nằm dưới chân núi Móc, làng Văn Sơn xưa thuộc xã Kiều Mộc, vùng phên dậu nước Đại Việt, nay là xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà. Trước kia làng được núi bao quanh, có nhiều cây gỗ quý, thỉnh thoảng xuất hiện muông thú. Nay Văn Sơn tập trung nhiều đình, chùa, đền, lăng miếu cổ. Thời tiết ngày nắng, đêm se lạnh, thích hợp trồng nhiều loài cây như trầu không, mai, đào, sim...
Làng Văn Sơn là nơi sinh sống của con cháu nhiều dòng họ nổi tiếng, có công giúp các triều đại dựng nước, diệt giặc, diệt gian thần như Phạm Công, Nguyễn Bá, Nguyễn Công, Nguyễn Tuấn, Nguyễn Ngô... Trong đó, người làm rạng danh quê hương nhất là Phạm Khắc Luận, danh tướng cùng Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi phò Lê Lợi đánh giặc Minh xâm lược vào thế kỷ 15.
Sử cũ ghi lại, Phạm Khắc Luận được vua Lê xem như người hoàng tộc, ban cho đặc ân đổi tên thành Phạm Công Luận và dòng họ Phạm Khắc ở làng Văn Sơn đổi thành Phạm Công. Danh tướng Phạm Công Luận sau này thăng tiến, được phong tước Lê triều phó tướng, Thái úy ninh quốc công, Dực bảo trung hưng đoan phúc tôn thần, Thượng thượng đẳng thần. Nhà thờ và lăng mộ của ông ở làng Văn Sơn được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2012.
Theo gia phả họ Phạm Công, sau khi được đổi tên, Phạm Công Luận cùng vợ chồng con rể về quê vinh quy bái tổ. Khi trở lại triều đình, dòng họ Phạm Công đã têm 25 miếng trầu cánh phượng được trồng tại làng Văn Sơn, 25 miếng cau chẻ ra từ 5 quả để Phạm Công Luận và người thân mang đi ăn trên đường. Ngoài ra, dòng họ còn chuẩn bị 5 lóng trầu để ông đưa ra kinh thành trồng ăn cho đỡ nhớ quê hương.
Cảm kích trước tấm lòng của dòng họ, ông Luận và con rể quyết định không ăn, gói trầu cau lại dâng tặng vua. Khi đến kinh thành, người lính vô tình đánh rơi trầu xuống đất. Danh tướng Luận lại mở ra, thấy trầu và cau còn tươi nguyên, 5 lóng trầu dùng để trồng đã nứt mầm, bén rễ. Ông sau đó đưa trầu và cau đến tiến vua.
Nhà vua cầm miếng trầu cau ăn, thấy ngon nên bảo: "Khanh đưa trầu cau của quê hương dòng họ từ nơi biên ải vạn dặm mà vẫn xanh tươi như mới hái, lại ngon đặc biệt, quả là thần kỳ. Nó chứa đựng tình nghĩa muôn dân, vì vậy trẫm đặt tên cho trầu này là trầu tiến vua".
Từ khi cây trầu không được vua Lê đặt tên, dòng họ Phạm Công nói riêng và dân làng Văn Sơn nói chung đã phát triển nghề trồng trầu. Lá trầu trước kia bán ít người mua, sau được thương lái về tận làng thu gom hết. Ông Phạm Công Dĩnh - hậu duệ của Phạm Công Luận, khi làm quan triều Nguyễn cũng thường đưa cây trầu quê hương vào Huế dâng vua. Vua quan nhà Nguyễn rất thích ăn loại trầu này.
Đến nay, toàn xã Đỉnh Bàn có hơn 100 hộ trồng cây trầu tiến vua, tập trung ở thôn Văn Sơn, phần lớn là người dòng họ Phạm Công với 46 hộ, diện tích trồng 100-400 m2, nhiều gia đình đất rộng trồng 1.000 m2. Năm 2016, nghề trồng trầu tiến vua của dòng họ Phạm Công được Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam. Năm 2021, tỉnh Hà Tĩnh công nhận nghề truyền thống trồng trầu đối với làng quê này.
Ông Phạm Công Nhứ, 70 tuổi, đời thứ 21 của dòng họ Phạm Công, cho biết trầu tiến vua trồng tại làng Văn Sơn lá dày, to bằng tay người lớn, mùi thơm và có vị cay đặc trưng khác với nơi khác. Trầu trồng bằng ngọn cây non, lập mỗi giàn leo cách nhau hơn một mét, sau gần một năm thì cho thu hoạch. Cây trầu khi trưởng thành có thể hái lá quanh năm, song tập trung nhiều nhất là vào Tết Nguyên đán, rằm tháng giêng, rằm tháng bảy, những dịp có nhiều lễ cưới hỏi.
Cây trầu tiến vua rất sợ úng nước, nếu gặp ngập lụt sẽ chết ngay. Làng Văn Sơn nằm sát núi, khí hậu mùa đông ấm, mùa hè thoáng mát, nắng vừa phải, do đó thích hợp cho cây phát triển. Trầu chỉ sinh trưởng tốt khi sử dụng giống của làng Văn Sơn và trồng tại đây. Nếu nhân giống ở vùng đất khác, hay đưa cây trầu mới về làng trồng đều không mang lại hiệu quả, cây còi cọc rồi chết.
"Trầu trên thực tế ít bệnh tật, song khi bị rất khó chữa. Cây thỉnh thoảng mắc bệnh nấm và đốm lá, lâu dần thối toàn thân. Tôi đã gửi mầm bệnh nhờ một số nhà nghiên cứu thực vật xem để tìm ra phương pháp khắc phục song chưa được. Hiện thấy cây nào nhiễm bệnh tôi hủy cả gốc để tránh lây lan", ông Nhứ nói.
Bà Phan Thị Lý, 57 tuổi, con dâu dòng họ Phạm Công, cho biết để lá trầu đảm bảo chất lượng thì phải thường xuyên tỉa bỏ những lá nhỏ, lá hỏng, mỗi cành chỉ để 3-5 lá. Cây trầu thích hợp bón phân chuồng, vi sinh, không dùng phân hóa học và phun thuốc. Khi hái lá, người dân không sử dụng dao hay kéo mà dùng móng tay bấm vào cuống lá, giữ lại cuống dài khoảng 2-3 cm.
Theo bà Lý, dân làng Văn Sơn coi trầu tiến vua là tài sản quý. Họ không cho người lạ vào vườn hái lá, vì có quan niệm nếu không phải chủ nhà mà hái lá thì sau vài tháng cây bị khô héo và chết đi. Vườn trầu luôn được rào lưới kín để ngăn gia súc, gia cầm đi vào, ngăn mang nguồn bệnh cho cây.
Ông Phạm Công Nhứ cho biết thêm, nhờ trồng trầu tiến vua mà cuộc sống của người dân làng Văn Sơn khấm khá. Gia đình ông Nhứ sở hữu 350 gốc, hơn 20 năm nay, hàng ngày vợ chồng hái vài trăm lá trầu đem ra chợ bán, thu nhập đủ trang trải sinh hoạt cho gia đình, nuôi con cái ăn học.
Trầu tiến vua sau khi hái được xếp thành từng tệp, mỗi tệp 50 lá, giá 10.000 đồng, ngày Tết tăng lên 30.000-50.000 đồng, tùy kích cỡ. Sôi động nhất của mùa vụ trầu Tết là từ ngày 24 đến 28/12 Âm lịch, trầu thu hoạch đến đâu thương lái tới tận vườn trả giá mua hết. Dịp gần Tết năm 2023, mỗi ngày một gia đình ở thôn Văn Sơn hái 1.000-1.500 lá bán, song nhiều hộ vẫn không đáp ứng được số lượng theo yêu cầu của khách.
"Dịp Tết, mỗi ngày tôi thu về một triệu đồng nhờ hái lá trầu tiến vua bán. Cây trầu mang lại nguồn thu kinh tế cao, chỉ với khoảng 200 m2 đất để sử dụng trầu bán lá có thể thu bằng một hécta lúa", ông Nhứ cho hay.
Lãnh đạo xã Đỉnh Bàn nói thôn Văn Sơn có truyền thống trồng cây trầu, song chưa khai thác hiệu quả thương hiệu do nhà vua ban. Năm 2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã thành lập tổ hợp tác trồng cây trầu với 30 thành viên, từ khi tổ đi vào hoạt động người dân đã dần chuyên nghiệp hóa quy trình nhân giống và chăm sóc, giải quyết việc làm cho hàng chục hội viên và người già.
Trầu không là cây thường xanh, loại dây leo và sống lâu năm, với các lá hình trái tim có mặt bóng và các hoa đuôi sóc màu trắng, cây có thể cao tới một mét. Lá trầu thường được người dân mua về thắp hương hoặc dùng trong lễ cưới hỏi. Ngoài ra, lá còn dùng kết hợp với vôi, cau để ăn trầu. Lá trầu còn là vị thuốc, có công dụng chữa lở loét, mụn nhọn, vết chàm trên mặt trẻ sơ sinh...