Thứ năm, 9/1/2025
Chủ nhật, 5/3/2017, 00:00 (GMT+7)

Đền thờ danh tướng giữ biên ải uy danh một thủa

Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi là một danh tướng bảo vệ biên cương thời vua Lê Lợi. Lúc đương thời, quân thù nghe tên ông là kinh hồn, bạt vía.

Đền thờ Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi nằm trên núi Quỳnh Viên (giáp vùng biển Cửa Sót, thuộc dải đất huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).

Ông là một danh tướng trấn giữ biên ải thời Lê, từng có nhiều công lao phò tá vua Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Minh thế kỷ 15.

Đền Lê Khôi nằm giữa lưng chừng núi, mặt hướng ra biển Cửa Sót. Trước cổng đền có cổng và hai con voi đá án án ngữ tạo vẻ uy nghiêm.

Theo các thư tịch cổ, năm thứ ba Thuận Thiên (1430), vua thấy thế nước mới ổn định, đất Châu Hóa thường bị quân Chiêm quấy rối, bèn sai Lê Khôi cầm quân đến trấn thủ biên cương. Ông đã dạy dân cách làm ruộng, trồng dâu, huấn luyện quân sỹ, giữ yên bờ cõi. Có lần ông cầm quân tiên phong đánh thẳng vào Đồ Bàn (kinh đô của Chiêm Thành), trên đường trở về ông lâm bệnh nặng, chết ở chân núi Long Ngâm, cửa biển Nam Giới (tức Cửa Sót, Hà Tĩnh ngày nay).

Để lên các tòa điện, khách hành hương phải đi cầu thang.

Đền có 3 tòa chính là thượng điện, trung điện và hạ điện. Trước là Tam quan, cột nanh có Nghê chầu, sau là Nhị hầu, tòa trung điện có kiến trúc chạm trổ tinh vi với nhiều đề tài tứ linh như cá hóa rồng, tiên múa, tiên cưỡi hạc...

Trước cửa vào đền có hai tượng đá. Đây là hai vị tướng dưới trướng Lê Khôi, được tạc với mục đích canh gác, bảo vệ chủ nhân.

Phía sau các tòa điện là lăng mộ Lê Khôi. 

Ở xứ Nghệ xưa nay có có câu: "Cờn, Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng". Đó là bốn ngôi đền nổi tiếng linh thiêng, quy mô to lớn và có giá trị nghệ thuật nhất vùng.

Chiêu trưng chính là đền thờ Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi.

Tạo hình pho tượng của ông là một vị tướng hiền lành, song toát lên vẻ uy nghi, oai vệ. Lễ giỗ của ông được người dân tổ chức hàng năm vào các ngày mùng 1, 2, 3 tháng 5 (âm lịch).

Người đời ca ngợi Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi: "Đức dày tiếng thơm ghi sử sách/ Phúc yên lưu dấu thấm nhân dân".

Đức Hùng