Thứ ba, 8/10/2024
Thứ ba, 17/6/2014, 03:16 (GMT+7)

Ngôi đình dáng nhà sàn đẹp nhất miền Bắc

Đình làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) làm hoàn toàn bằng gỗ lim, vẫn giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc cách đây 300 năm.

Từ xa xưa, dân gian xứ Bắc có câu: "Thứ nhất là đình Đông Khang/ Thứ nhì đình Báng, vẻ vang đình Diềm". Ngày nay, đình Đông Khang không còn, đình Diềm trước có năm gian, nay còn ba gian. Chỉ có đình Báng (đình Đình Bảng) còn tương đối nguyên vẹn.

Đình Báng được xây dựng năm 1700-1736, do ông quan Nguyễn Thạc Lượng, người Đình Bảng và vợ là bà Nguyễn Thị Nguyên (quê Thanh Hóa) xây dựng. Khi nghỉ làm quan ở Thanh Hóa, ông Lượng đã mang theo 8 bè gỗ lim. Từ năm 1686 tới năm 1700, ông xây dựng tư dinh cho dòng họ, đến khi tay nghề thợ vững mới bắt đầu xây đình.

Cũng như nhiều đình làng Việt Nam dựng vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, đình Báng có kiến trúc bề thế, hòa hợp với thiên nhiên Việt Nam. Đình có mái dài, cao, các đầu đao uốn cong vút, lợp ngói mũi hài dày bản, rộng khổ. Góc mái tức "tàu đao" làm cong uốn ngược.

Trên 28 chiếc kẻ hiên là 28 đầu rồng, mỗi đầu mang một vẻ sinh động. Có con rồng nhỏ nhắn, hai chân nắm râu mép, hình dáng ngộ nghĩnh, tươi cười; có con mang nét oai phong, hùng dũng; con lại vô cùng hiền từ...

Một đầu mái của đình được chạm gỗ cầu kỳ, ngoài những hình rồng còn có nhiều kiểu chạm khắc khác.

Tòa đại đình được xây trên nền cao ba bậc đá xanh bao quanh. Bốn mặt bưng kín bằng ván có thể tháo mở. Đại đình gồm 6 hàng chân cột với 60 cột cái bằng gỗ lim đường kính từ 0,55 đến 0,65 m đặt trên đá xanh, giúp công trình thêm vững chắc.

Trước cửa bước vào hai con nghê trong tư thế chầu nhau, căng đầy sức sống và vẻ mặt sinh động.

Ở chính điện là một bức cửa võng lớn, chia thành bảy lớp, chín ô theo kiểu lồng hộp, trang trí dày đặc với các chữ triện, các con vật như rồng, phượng, ngựa, sư tử, mây, các cây trong bộ tứ quý...

Đình mang kiến trúc nhà sàn với sàn gỗ cao 0,7 m so với mặt nền gồm 6 hàng cột ngang và 10 hàng cột dọc.

Đại đình hình chữ nhật, dài 20 m, rộng 14 m. Đình có kết cấu hệ kèo chồng rường, gồm bảy gian hai chái (gian phụ). Nóc đình cao tới 8 m với tỷ lệ mặt đứng của phần mái lớn hơn phần thân (mái chiếm hai phần ba chiều cao của đình) tạo nên cảm giác bề thế.

Tất cả hệ kèo, cột đều được chạm khắc, các chi tiết không giống nhau. Nghệ thuật điêu khắc thể hiện xu hướng của thời điểm cuối thế kỷ 17, đầu 18 là nghệ thuật cung đình lấn át nghệ thuật dân gian.

Trên các cấu kiện đều chạm khắc hình chữ triện, rồng với nhiều chủ đề như lưỡng long vờn mây, lưỡng long chầu nhật, ngũ long tranh châu, lục long ngự thiên, kèm theo đó là hình con phượng, nghê và hoa lá...

Hình rồng chiếm số lượng lớn với khoảng 500 hình. Con rồng mang nhiều lớp nghĩa, như biểu hiện cho mây, mưa và ước vọng mùa màng thuận lợi của người nông dân. Rồng cũng biểu hiện cho uy quyền của bậc đế vương, đặt ở đình càng tăng thêm vị thế của Thành hoàng làng.

Theo các cụ cao niên trong làng, đình Đình Bảng có tất cả 28 kiểu chạm khắc bộ long và hàng chục kiểu chạm khắc bộ ly, quy, phượng, không một bộ nào giống nhau về hình thể cũng như kích cỡ.

Những đường nét được chạm khắc tinh xảo đến từng chi tiết nhỏ. Nét tinh tế trong nghệ thuật điêu khắc ở đình Đình Bảng khiến bất cứ ai đến đây cũng phải khâm phục bàn tay tài hoa của cha ông.

Đình làng Đình Bảng nổi tiếng với kiến trúc đình làng độc đáo bậc nhất Việt Nam. Qua thời gian cũng như chiến tranh, ngôi đình bị hư hỏng đôi chút nhưng đã được tôn tạo, vẫn giữ nguyên được vẻ ban đầu và là niềm tự hào của người dân Kinh Bắc.

Phan Dương