Thứ ba, 8/10/2024
Thứ sáu, 13/6/2014, 11:34 (GMT+7)

Ngôi nhà gỗ lim 300 tuổi vùng Kinh Bắc

Nhà của dòng họ Nguyễn Thạc ở làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) dựng từ năm 1686, được UNESCO trao giải thưởng công trạng trong bảo tồn di tích.

Năm 1686, cụ Diệu Đình Hầu - Nguyễn Thạc Lượng và vợ là bà Nguyễn Thị Nguyện mang theo 8 bè gỗ lim từ Thanh Hóa về Đình Bảng (Bắc Ninh) để dựng nhà. Số gỗ này đủ dựng hai ngôi từ đường cho dòng họ Nguyễn Thạc, một khu nhà dành cho con trưởng của dòng họ và đình làng Đình Bảng. Cụ Lượng còn mang một cây gỗ nghiến cổ thụ để làm dùi, đục.

Khu nhà của dòng họ Nguyễn Thạc xây dựng trong vòng 14 năm, từ năm 1686 đến năm 1700, gồm một khu thờ tự, một khu để ở, tiếp khách và bếp. Nhà trong ảnh vốn là nơi thờ tự của gia đình, còn nơi ở và tiếp khách là một nhà 7 gian khác phía sân trước mặt. Do hoàn cảnh khó khăn nên năm 1958, gia đình đã dỡ gian này để bán cho một đại gia ở Đồng Kỵ.

Ông Nguyễn Thạc Sủng, đời thứ 10 sống ở đây, cho biết, thời Pháp thuộc, ngôi nhà bị chiếm đóng 6 năm. Sau năm 1954, bà con trở về quê cũ, làng mạc tan tác hết, chỉ còn ngôi nhà này vẫn chưa bị phá. Trải qua mấy trăm năm, căn nhà bị xuống cấp. Năm 1996, Đại học nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) đã đầu tư khoảng một tỷ đồng để trùng tu.

Theo khảo sát của Nhật Bản, chỉ còn khoảng 10 ngôi nhà có niên đại 300 năm ở Việt Nam. Ngôi nhà của dòng họ Nguyễn Thạc tiêu biểu cho kiến trúc vùng Kinh Bắc, được làm hoàn toàn từ gỗ lim, có tới 60 cây cột, không có mối mọt và có thể chống được ẩm. Trước nhà có sân rộng, bể nước, vườn cây cảnh.

Hiên nhà vừa là nơi hóng mát vào những ngày hè oi bức, vừa tránh mưa gió không hắt vào nơi ở. Mái nhà dân gian thường lợp ngói vẩy cá, dốc 30 độ, giúp nước mưa dễ chảy xuống.

Chi tiết hoa văn được chạm trổ với hình rồng, mây vờn, hoa lá. Các họa tiết có sự đồng điệu giữa cột cái, cột quân và cột nghiêng trong một bộ vỉ kèo, từ đó dễ nhận biết được đặc trưng kiến trúc nhà ở dân gian Bắc Ninh.

Trải qua 314 năm, những chi tiết chạm trổ vẫn chắc chắn, không hề bị mối mọt.

Nhà hiện có 7 gian, 3 gian chính giữa là nơi thờ tự, nơi quan trọng nhất trong nhà ở dân gian Bắc Bộ. Gian thờ chính nằm giữa với hoành phi, câu đối là nơi đặt bài vị của tổ tiên họ Nguyễn Thạc. Đây cũng là nơi trưng bày các sắc phong của triều Lê - Trịnh cho những người đỗ đạt trong dòng họ.

Ngôi nhà của dòng họ Nguyễn Thạc có sử dụng hệ cột gỗ đỡ mái xây - một kỹ thuật xây dựng gây kinh ngạc với các kiến trúc sư Nhật Bản khi phục chế ngôi nhà. Hệ cột chịu lực đỡ mái làm từ một tấn vật liệu bao gồm gạch, ngói và chất kết dính.

Các cây cột cái làm từ gỗ lim có đường kính 90 cm, cao 4,3 m. Trải qua 300 năm, một số cột bị hư hỏng. Sau khi được Nhật hỗ trợ trùng tu, những cây cột này có thể trụ được vài trăm năm nữa.

Nhà có 28 cánh cửa bức bàn. Thời Pháp chiếm đóng, 27 cánh cửa bị đốt. Về sau, cánh cửa duy nhất còn lại được dùng làm nguyên mẫu để đóng những cửa khác.

Tương truyền, tốp thợ Thanh Hóa được chọn để làm ngôi nhà và đình Đình Bảng. Năm đó, thợ cả mang theo cậu con trai 5 tuổi, đến lúc xong ngôi nhà này và đình Đình Bảng, cậu bé đã sang tuổi 55.

Dòng họ Nguyễn Thạc có 228 năm liên tiếp làm quan. Trải qua thời gian, dòng họ còn lưu giữ được nhiều tư liệu quý như 12 cuốn gia phả, 11 đạo sắc phong, 5 lệnh chỉ, hoành phi, câu đối... Ngôi nhà này cùng với đình làng Đình Bảng là những công trình kiến trúc tiêu biểu cho vùng Kinh Bắc.

Phan Dương