Thượng nghị sĩ Mỹ John Kerry vừa được chọn làm người kế nhiệm đương kim Ngoại trưởng Hillary Clinton. Ảnh: AP |
Sau gần 4 thập kỷ làm việc ở trung tâm chính sách đối ngoại Mỹ, Thượng nghị sĩ John Kerry được tổng thống Mỹ tin tưởng giao phó trọng trách đứng đầu ngành ngoại giao nước này trong 4 năm tới. Với tư cách là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện trong 4 năm qua, ông Kerry đã đạt được nhiều thành tựu ngoại giao, với sự hợp tác trên nhiều mức độ với Nhà Trắng.
Sau khi chính thức nhậm chức ngoại trưởng, John Kerry được dự đoán sẽ giúp Bộ Ngoại giao Mỹ hùng mạnh hơn và tận dụng những mối quan hệ với các nhà lãnh đạo nước ngoài để theo đuổi các sáng kiến ngoại giao.
Theo các quan chức và nhà lập pháp Mỹ từng làm việc với ông Kerry, thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ tạo được uy tín khi làm việc để ổn định mối quan hệ của Washington với Afghanistan và Pakistan, thông qua đối thoại với các nhà lãnh đạo của hai nước. Theo các quan chức, trong một số thời điểm, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai tỏ ra có mong muốn gặp gỡ với ông Kerry hơn các đại diện chính thức của Nhà Trắng hay Bộ Ngoại giao Mỹ.
Ông John Kerry, 69 tuổi, từng là ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ năm 2004, cũng là gương mặt nổi bật của chính quyền của Tổng thống Obama trong năm 2009 và 2010 để bình thường hóa quan hệ với chính quyền của ông Assad.
Tuy nhiên, ông Kerry cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích trong những năm gần đây vì mối quan hệ ngoại giao với thế giới Hồi giáo, bao gồm với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Các nhà hoạt động nhân quyền chỉ trích ông Kerry đã nhắm mắt làm ngơ cho sự độc tài của Assad, thậm chí ngay cả sau khi lực lượng an ninh Syria bắt đầu cuộc trấn áp trên cả nước từ đầu năm 2011 khiến hàng chục nghìn dân thường Syria thiệt mạng.
Một số chuyên gia về Iran cũng lo lắng rằng ông Kerry có thể quá tập trung vào việc thiết lập một thỏa thuận với Tehran về chương trình hạt nhân. Điều này có thể khiến Iran có nhiều thời gian hơn để sản xuất vũ khí hạt nhân trong những năm tới, dù rằng Tehran luôn phủ nhận điều đó.
Vào cuối năm 2009, ông Kerry tích cực tới Tehran để xem xét mức độ sẵn sàng của Iran đối với việc đàm phán về hạt nhân, theo thông tin của những người tham gia kế hoạch và những quan chức Nhà Trắng. Kế hoạch trên vẫn được tiến hành bất chấp hành động của chính phủ Iran năm đó là trừng trị những nhà hoạt động chống đối quá trình tái tranh cử của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad.
"Ông Kerry không có ý thức hệ, ông ấy quá thực dụng. Nếu ông ấy tin rằng việc đó có thể giúp xoa dịu cuộc xung đột hạt nhân với Iran, tôi tin rằng ông ấy sẽ gặp nhà lãnh đạo tinh thần tối cao Ali Khamenei ngay ngày mai", Karim Sadjadpour thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, người đối chất trước Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ, cho hay.
Sadjadpour cũng nói thêm rằng nếu ông Kerry trở thành Ngoại trưởng và cựu thượng nghị sĩ Chuck Hagel trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, thì khả năng Mỹ tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran chắc chắn sẽ giảm xuống.
"Cả hai đều là cựu chiến binh và họ không muốn đẩy đất nước vào cuộc chiến tranh nào nữa", Sadjadpour nói.
Người phát ngôn của ông Kerry hôm 14/12 cho biết ông Kerry không có bình luận nào về việc đề cử ông trở thành ngoại trưởng. Trong những cuộc phỏng vấn trước đó, ông cũng mạnh mẽ bảo vệ quan điểm đối thoại với những bên đối địch với nước Mỹ, bao gồm cả Assad, như một công cụ quan trọng để thúc đẩy lợi ích trong chính sách ngoại giao của Mỹ.
"Tôi chưa bao giờ nói rằng Assad là một nhà cải cách những chính sách đối nội trong Syria. Tuy nhiên, vẫn có những cơ hội dành cho chúng tôi trong vấn đề đối ngoại", ông nói.
Ông Kerry lần đầu tiên thu hút sự chú ý trong số các quan chức ngoại giao từ những năm 1970, với tư cách là cựu binh chiến tranh Việt Nam. Ông công khai phản đối việc tiếp tục leo thang căng thẳng ở Đông Nam Á. Cuộc bầu cử tiếp theo vào Thượng viện năm 1984 khiến ông trở thành trụ cột trong bộ máy đối ngoại và đóng vai trò then chốt trong hàng loạt các vấn đề an ninh quốc gia.
Ông cũng giám sát cuộc điều tra của Thượng viện vào Ngân hàng Tín dụng và Thương mại Quốc tế, một thể chế tài chính của Pakistan sau đó bị buộc tội rửa tiền quốc tế, mà Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) có sử dụng. Trước đây, ông Kerry cũng kết hợp với Thượng nghị sĩ John McCain để thúc đẩy nối lại quan hệ với Việt Nam.
Trong những tuần qua, ông McCain nổi lên như một tiếng nói của đảng Cộng hòa ủng hộ ông Kerry được chỉ định làm ngoại trưởng. Ông McCain mạnh mẽ phản đối bà Susan Rice, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, người được cho là được Tổng thống Obama dự kiến đặt vào vị trí này. Bà Rice đã xin rút khỏi danh sách đề cử chức vụ ngoại trưởng Mỹ hôm 13/12.
Các quan chức Mỹ cũng nói rằng những công việc của ông Kerry tại châu Á là rất quan trọng trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama, khi Trung Quốc ngày một lớn mạnh. Tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ ở châu Á gồm Nhật Bản và Philippines, với mức căng thẳng ngày một leo thang trong những tháng qua, đã gây báo động cho Nhà Trắng .
Tuy nhiên, theo nhiều quan chức, nhiệm kỳ ngoại trưởng của ông Kerry sẽ phải giải quyết những bất ổn chính trị ngày một gia tăng ở Trung Đông. Cuộc nội chiến ở Syria, sự lớn mạnh của chính quyền Hồi giáo mới ở Ai Cập và những đe dọa từ chương trình hạt nhân của Iran dự kiến sẽ là những thách thức đối ngoại hàng đầu.
Ông Kerry được hưởng lợi từ kinh nghiệm tại Trung Đông và mối quan hệ cá nhân ông đã gây dựng được với các nhà lãnh đạo như Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Nhà vua Jordan Abdullah II. Nhưng nhiều nhà phân tích Trung Đông cho rằng ông Kerry sẽ gặp khó khăn khi sử dụng sự kết nối cũ để thay đổi khu vực. Quyền lực chính trị đã thay đổi mạnh mẽ trong hai năm qua, đặc biệt trong các phong trào Hồi giáo như Những người anh em Hồi giáo ở Ai Cập và Syria, phong trào Hamas ở Palestine và Hezbollah ở Lebanon.
Vũ Hà (theo WSJ)