"Chúng ta từng thấy các hệ thống phòng không khắp thế giới gặp thất bại. Những khí tài hiện đại nhất không phải lúc nào cũng phát hiện được mục tiêu", Ngoại trưởng Pompeo hôm nay cho biết, sau khi phóng viên hỏi về lý do các tổ hợp Patriot của Arab Saudi không chặn được cuộc tấn công nhà máy dầu của tập đoàn Aramco.
Pompeo khẳng định Washington đang hợp tác với Riyadh để triển khai nguồn lực và cơ sở hạ tầng nhằm "bảo đảm các cuộc tấn công trong tương lai không thể thành công như sự việc vừa qua".
Ngoại trưởng Mỹ đang thăm Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) để bàn về phương án đối phó vụ tập kích hôm 14/9. Ông cũng bác bỏ thông tin cho rằng vụ tấn công là hậu quả của việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Nhà máy lọc dầu của tập đoàn Aramco nằm tại ở Abqaiq và Khurais, đông bắc Arab Saudi bị tấn công hôm 14/9, làm gián đoạn hoạt động sản xuất tại hai cơ sở vốn cung cấp 50% tổng sản lượng của Arab Saudi và gây sụt giảm 5% lượng cung dầu mỏ toàn cầu.
Bộ Quốc phòng Arab Saudi cáo buộc Iran "bảo trợ" vụ tấn công, cho biết tổng cộng 18 máy bay không người lái (UAV) và 7 tên lửa hành trình đã được sử dụng.
Hai nhà máy nằm cách Bahrain, nơi đồn trú của Hạm đội 5 hải quân Mỹ, khoảng 50 km và cũng rất gần hàng loạt căn cứ không quân của Washington tại Trung Đông, nơi có hệ thống radar có khả năng phát hiện UAV từ khoảng cách trên 150 km. Arab Saudi và các đồng minh Trung Đông cũng biên chế hàng loạt khí tài phòng không hiện đại, trong đó có tên lửa tầm xa Patriot.
Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy các lực lượng phòng không trong khu vực nhận biết được mối đe dọa hay có các động thái đánh chặn. Điều này khiến nhiều người đặt nghi vấn về năng lực tác chiến của Arab Saudi, cũng như hiệu quả thực tế của lưới phòng không trị giá nhiều tỷ USD được nước này đặt mua từ Mỹ.
Vũ Anh (Theo TASS)