"Một câu chuyện tôi chưa từng kể trước công chúng, tôi định để dành nó cho cuốn hồi ký nhưng thôi, tôi sẽ không làm vậy. Tối nay tôi sẽ kể cho các bạn nghe một chút", ông Kerry bắt đầu câu chuyện trong cuộc đối thoại tại hội thảo về chiến tranh Việt Nam ở Texas hôm 27/4.
"Tôi phải đến gặp tổng bí thư và chủ tịch nước (Việt Nam), thuyết phục họ cho phép tôi và một thượng nghị sĩ khác đi xuống dưới lăng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì có thông tin tình báo cho rằng dưới đó có những đường hầm và khả năng có người đang bị giam giữ.
Các bạn có thể tưởng tượng được cảnh tượng tôi ngồi cùng tổng bí thư đảng với một bức tượng bán thân lớn của ông Hồ phía trên và nói 'Tôi muốn xuống dưới và kiểm tra xem liệu có ai ở dưới không'", ông nhớ lại.
Ông cho hay sau đó đã được lãnh đạo Việt Nam cho phép xuống dưới lăng kiểm tra nhưng không tìm thấy ai cả.
"Thật kinh ngạc và chúng tôi đã làm điều đó. Tôi sẽ không kể cho các bạn nghe phần còn lại của chuyện như thế nào, diễn biến ra sao đâu", ông nói.
Ông Kerry từng là một sĩ quan hải quân chiến đấu ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó ông rời quân ngũ, trở thành một trong những nhà phản chiến nối tiếng nhất, dẫn đầu một cuộc biểu tình ở Washington năm 1971 chống chiến tranh Việt Nam và lên án trước ủy ban đối ngoại của thượng viện rằng đây là cuộc chiến "man rợ".
Sau đó, trên cương vị một thượng nghị sĩ của bang Massachusetts, ông tiếp tục đóng góp vào việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam suốt nhiều chục năm.
Trong cuộc hội thảo hôm qua, ngoại trưởng Mỹ cho hay khi tiếp cận vấn đề bình thường hóa quan hệ, ông và thượng nghị sĩ John McCain luôn xác định rằng việc tìm kiếm tù binh chiến tranh và các quân nhân mất tích POW/MIA là điều kiện tiên quyết.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình này, ông rất ngạc nhiên và cảm phục trước sự cởi mở và sẵn sàng gác lại nỗi hận thù quá khứ của người Việt Nam.
"Quá trình thu thập hài cốt đã cho thấy nhiều điều không chỉ về người Mỹ và sự tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống trong cuộc chiến mà còn cho thấy sự cởi mở phi thường của người dân Việt Nam, những người đã giúp chúng tôi tìm kiếm hài cốt của các binh sĩ thiệt mạng, thậm chí cả khi một phần lớn binh sĩ đã hy sinh của họ, có thể là cả triệu người, sẽ không bao giờ có thể được tìm thấy. Họ đã cho phép trực thăng hạ cánh ở các thôn xã, dù điều đó có thể gợi lại những ký ức cay đắng về cuộc chiến", ông nói. "Người Việt Nam làm như thế vì họ cũng muốn gác lại chiến tranh. Họ đã đào bới những cánh đồng và cho chúng tôi vào nhà họ, những 'ngôi nhà lịch sử', những nhà tù. Hơn một lần, họ đã hướng dẫn chúng tôi băng qua những bãi mìn thực thụ.
Chúng tôi đã tham gia vào một cuộc tìm kiếm những người mất tích và thiệt mạng trong chiến tranh quan trọng, toàn diện và thấu đáo nhất trong lịch sử loài người. Và tôi nghĩ người Mỹ nên tự hào về điều đó".
Ngoại trưởng Mỹ cho rằng 41 năm sau khi cuộc chiến khép lại, mối quan hệ giữa hai nước giờ đã hoàn toàn đổi khác.
"Năm 1968, không ai có thể tưởng tượng được rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Washington vào năm ngoái hay Tổng thống Barack Obama sẽ đến thăm Việt Nam vào tháng tới. Tôi rất nóng lòng được đi cùng tổng thống lần này", ông nói.
Ông cũng kể ra những biến chuyển quan trọng trong quan hệ song phương khi hai nước hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bao gồm giáo dục, biến đổi khí hậu, khoa học, y tế, công nghệ cao, quân sự, an ninh, đặc biệt là về vấn đề Biển Đông.
"Không thể phủ nhận rằng chính phủ của chúng ta và chính phủ ở Hà Nội rõ ràng còn có những khác biệt nhưng điều đáng mừng là chúng tôi đã trao đổi về chúng một cách thẳng thắn, thường xuyên và có hiệu quả", ông nói.
Ngoại trưởng Kerry sẽ tháp tùng Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam vào tháng tới nhằm nhấn mạnh các lợi ích kinh tế và chiến lược chung giữa hai nước. Đây sẽ là lần đầu tiên ông Obama thăm Việt Nam trong nhiệm kỳ 8 năm làm tổng thống Mỹ. Ông cũng sẽ trở thành tổng thống Mỹ thứ ba liên tiếp thăm Việt Nam, sau ông Bill Clinton năm 2000 và ông George W. Bush năm 2006.
Xem thêm: Quan hệ Việt - Mỹ: 'Tan sương đầu ngõ'
Anh Ngọc