"Trong nhiều năm tôi đã trông đợi thời điểm người Mỹ khi nghe hai chữ Việt Nam thì nghĩ đến một đất nước chứ không phải cuộc chiến. Tôi tin là chúng ta đã đạt tới thời điểm đó", ông Kerry nói khi tham dự sự kiện kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ sáng nay tại Hà Nội.
Theo ông Kerry, minh chứng rõ ràng cho điều này là khi Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Mỹ mới đây đã đề cập tới việc lãnh đạo hai nước cam kết hợp tác về các vấn đề an ninh, kinh tế, người dân hai bên đang giao lưu, học tập và đi du lịch, các Việt kiều nối lại quan hệ với gia đình, quê hương.
Những kỷ niệm cá nhân
Quá trình khôi phục lại quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ diễn ra rất khó khăn và đòi hỏi nhiều can đảm của cả hai, đồng thời cũng khiến hai nước phải nhân nhượng. Một trong những vấn đề gay gắt lúc đó là khả năng vẫn còn các binh lính Mỹ mất tích sau chiến tranh (MIA) ở Việt Nam và Đông Nam Á.
"Chúng tôi biết những người nỗ lực xây dựng quan hệ có thể gây ra sự phản đối mang nhiều cảm xúc của nhiều người của cả hai bên. Trong bầu không khí đó, tôi và McCain đã đến với nhau, nhiều người nghi ngờ chúng tôi", Ngoại trưởng Mỹ kể lại, nhắc tới thượng nghị sĩ Mỹ.
Kerry nói ông không bao giờ quên thời điểm cùng ông McCain đứng trong phòng giam tại nhà tù Hỏa Lò, nơi ông McCain đã ngồi tù vài năm sau khi máy bay bị bắn rơi và bị bắt làm tù binh. Nghe về trải nghiệm đó khiến ông Kerry rất cảm kích những nỗ lực của người bạn. Ngoại trưởng Mỹ cũng bày tỏ lòng cảm kích với những bạn bè và người dân Việt Nam đã giúp tìm kiếm hàng nghìn lính Mỹ mất tích, họ sẵn sàng đào ruộng lúa của mình lên hoặc đưa người Mỹ vào tìm trong ngôi nhà của mình.
"Có những điều bất thường trong thế hệ của tôi, bây giờ đã trở thành bình thường, rất tự nhiên, trong quan hệ với Việt Nam", Ngoại trưởng Mỹ so sánh với thế hệ trẻ được sinh ra sau chiến tranh.
Ông khẳng định hợp tác Việt - Mỹ không còn ở trong quá trình hòa giải nữa, mà tiến trình đó đã thực hiện xong, nếu nhìn vào sự chuyển đổi của cả hai nước.
"Chúng ta đang ở đây kỷ niệm 20 năm bình thường hóa, chứng tỏ số phận không bắt chúng ta lặp lại sai lầm của quá khứ nữa. Chúng ta có năng lực vượt qua cay đắng, thay nghi ngờ, ghét bỏ bằng sự tôn trọng lẫn nhau. Mỹ và Việt Nam đã chứng minh cựu thù có thể trở thành đối tác, là bài học đúng lúc và sâu sắc", ông Kerry nói.
Quan hệ Việt - Mỹ, nhìn lại chặng đường từ sau 1975
Ông cũng cho rằng quá trình hai nước tiến lên và hàn gắn vết thương, khôi phục mối quan hệ không phải là quên đi quá khứ. "Nếu quên đi, chúng ta sẽ không học được bài học từ quá khứ đó".
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ luôn coi ông Kerry là người bạn của nhân dân Việt Nam, người đã đóng góp không mệt mỏi cho quá trình bình thường hóa của hai nước và thúc đẩy hợp tác trở thành Đối tác toàn diện. "Quan hệ Việt - Mỹ cũng đóng góp quan trọng vào duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chúng ta tin tưởng quan hệ Việt - Mỹ đang đứng trước triển vọng tốt đẹp để phát triển lên tầm cao mới", ông Minh nói
TPP có thể hoàn tất trong vài tháng tới
Nói về việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa hoàn tất như dự định trong thảo luận mới đây tại Hawaii, Ngoại trưởng Mỹ cho hay đã có nhiều tiến triển, mặc dù còn một vài vấn đề chưa được giải quyết với Việt Nam và các nước khác cũng có vấn đề riêng.
"Tôi hy vọng trong một vài tháng tới, trước khi kết thúc 2015 thì TPP có thể được hoàn tất. TPP sẽ giúp nâng cao tiêu chuẩn của toàn khu vực. TPP sẽ cải thiện tiêu chuẩn về lao động, môi trường của khu vực chiếm tới 40% kinh tế toàn cầu", ông nói trong cuộc họp báo chung với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
"Trên cả bình diện song phương và đa phương, chúng tôi coi trọng vai trò của Mỹ trong đóng góp duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.
Phó Thủ tướng cũng mong Mỹ sớm dỡ hoàn toàn bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương cho Việt Nam để tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng.
Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ đạt tiến triển hơn nữa trong vấn đề nhân quyền, lĩnh vực có liên quan đến việc Mỹ dỡ bỏ thêm lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Ông Kerry cho biết Mỹ quan tâm rất lớn đến căng thẳng gần đây ở Biển Đông. Washington lo ngại sâu sắc về việc xây đảo nhân tạo và quân sự hóa ở vùng biển này. Các bên cần giải quyết bất đồng bằng pháp luật và đàm phán, chẳng hạn như tòa án quốc tế và các cơ chế có sẵn khác.
Ngoại trưởng Kerry thăm Việt Nam từ ngày 6/8 tới 8/8 theo lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ông đã có cuộc gặp với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam lần thứ hai của ông Kerry trên cương vị ngoại trưởng.
Việt Anh