"Hợp tác giữa hai nước sẽ bền chặt hơn. Trong giai đoạn phương Tây ngang nhiên làm suy yếu những nền tảng xây dựng nên hệ thống quốc tế, hai cường quốc chúng ta cần suy nghĩ kỹ cách sinh tồn trong thế giới này", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm nay bình luận về quan hệ song phương với Trung Quốc tại một sự kiện ở Moskva.
Ông Lavrov nhận định Trung Quốc đang bị phương Tây xem là "đối thủ chính" trong nhiều năm, nhưng trước đó vai trò này bị gán cho nước Nga.
"Hai nước hiện chỉ đổi chỗ cho nhau. Trong thời điểm này, phương Tây tuyên bố họ sẽ giải quyết Nga trước rồi tính đến Trung Quốc", ông nhận định, đồng thời cáo buộc Mỹ lôi kéo các nước kiềm chề Trung Quốc vì thành công kinh tế của nước này.
Ngoại trưởng Nga khẳng định Moskva và Bắc Kinh sẽ tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ đối thoại truyền thống và thường xuyên, bao gồm trao đổi giữa các lãnh đạo, thành viên chính phủ và cơ quan chính sách đối ngoại hai nước.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Nga sau Liên minh châu Âu. Xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc trị giá 79,3 tỷ USD vào năm 2021, trong đó dầu và khí đốt chiếm 56%, theo cơ quan hải quan Trung Quốc.
Ngoại trưởng Nga đưa ra bình luận một ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông Tập khẳng định lập trường đối đầu quân sự, xung đột "không mang lại lợi ích cho bất kỳ nước nào", đồng thời nhấn mạnh khủng hoảng tại Ukraine vốn không phải kịch bản mà Trung Quốc muốn chứng kiến.
Trong khi đó, Tổng thống Biden cảnh báo Trung Quốc có thể chuốc lấy hậu quả nếu "cung cấp hỗ trợ vật chất" cho Nga trong chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Washington trước đó nhiều lần bày tỏ hy vọng Bắc Kinh tác động lên Moskva để giải quyết hòa bình vấn đề Ukraine. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi đầu tháng 3 khẳng định mối quan hệ với Nga "vững như bàn thạch" và "sẽ không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ bên thứ ba nào".
Trong sự kiện tại Moskva hôm nay, ông Lavrov cũng chia sẻ kỳ vọng "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine có thể kết lại bằng một loạt văn bản giải quyết toàn diện các lo ngại của Moskva, trong đó có vấn đề an ninh, Ukraine cam kết giữ tình trạng trung lập và đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng nói tiếng Nga ở Ukraine.
Nhà ngoại giao 71 tuổi cáo buộc Washington đang gây áp lực lên phái đoàn đàm phán của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
"Ông Zelensky đề xuất đàm phán, Tổng thống chúng ta chấp nhận. Đàm phán đang cải thiện nhưng chúng tôi luôn cảm thấy phái đoàn Ukraine đang bị nắm thóp bởi người Mỹ, không cho phép họ chấp nhận những yêu cầu đơn giản nhất", ông nói.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, phái đoàn hai nước đã tiến hành nhiều vòng đàm phán, song chỉ thống nhất được về vấn đề lập hành lang nhân đạo sơ tán dân thường, chưa nhất trí về lệnh ngừng bắn.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 18/3 cho hay 7 hành lang nhân đạo đã được thiết lập, gồm 6 tuyến ở vùng Sumy và một tuyến ở Donetsk, để đưa dân thường ra khỏi vùng chiến sự.
Đàm phán viên của Ukraine và Nga cuối tuần này đồng loạt đánh giá đối thoại đang tiến triển tích cực và hướng đến ký kết một hiệp ước. Tuy nhiên, trưởng đoàn đàm phán Nga khẳng định cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Zelensky chỉ diễn ra sau khi phái đoàn hai nước hoàn tất dự thảo hiệp ước.
Trung Nhân (Theo TASS, Reuters)