Một công ty quản lý chất thải hàng đầu tại Anh đã sử dụng các nghiên cứu mới nhất về hạt vi nhựa để tạo ra loạt hình ảnh cho thấy mức độ phơi nhiễm khác nhau có thể ảnh hưởng đến diện mạo con người ra sao.
Hạt vi nhựa là những mảnh nhựa nhỏ hơn 5 mm, phát sinh từ các vật dụng nhựa lớn hơn hoặc chất thải công nghiệp theo thời gian. Chúng có mặt khắp nơi, từ mỹ phẩm, thực phẩm, nước uống đến không khí.
Các nhà khoa học đã phát hiện hạt vi nhựa trong phổi, gan, thận, tim, máu, tinh hoàn và cả sữa mẹ, thậm chí một số nghiên cứu còn tìm thấy cả thìa hạt vi nhựa trong não người.
Các nghiên cứu cho thấy những hạt nhỏ này có thể gây tổn thương tế bào và rối loạn hoạt động của các cơ quan, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư, vô sinh và các bệnh mãn tính khác.
"Dù phần lớn nghiên cứu về tác động của hạt vi nhựa lên con người vẫn đang ở giai đoạn đầu, rõ ràng có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy loại ô nhiễm này có thể ảnh hưởng đến chúng ta ra sao", ông Mark Hall, chuyên gia về chất thải nhựa và giám đốc sáng lập của Business Waste, cho biết.
Công ty đã mô phỏng các giai đoạn ảnh hưởng từ thấp đến cao theo mức độ phơi nhiễm hạt vi nhựa.
Liều lượng thấp, tác động nhỏ
Phơi nhiễm mức thấp thường đến từ thực phẩm, đồ uống và môi trường sống hằng ngày. Dù các triệu chứng ban đầu chủ yếu bên trong và không dễ nhận thấy, chuyên gia cho rằng chúng vẫn có thể ảnh hưởng đến ngoại hình và sức khỏe chung.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng sự tương tác giữa hạt vi nhựa và các chất gây rối loạn nội tiết có thể dẫn đến khô da, mẩn đỏ và kích ứng.
Ngoài ra, hạt vi nhựa còn có thể làm thay đổi hệ vi sinh đường ruột, gây đầy hơi, khó tiêu và rối loạn tiêu hóa.
Người tiếp xúc mức thấp cũng có thể gặp tình trạng mệt mỏi nhẹ do viêm nhiễm âm thầm mà hạt vi nhựa gây ra.

Các hạt nhựa trên đầu ngón tay người. Ảnh: iStock
Ngưỡng cảnh báo: hạt vi nhựa tích tụ nhiều hơn trong cơ thể
Những người thường xuyên ăn thực phẩm chế biến sẵn hoặc hải sản, sử dụng hay mặc vải sợi tổng hợp, có thể bị phơi nhiễm hạt vi nhựa ở mức trung bình.
Ở giai đoạn này, các tác động bắt đầu thể hiện rõ rệt. Kích ứng da gia tăng, các dấu hiệu lão hóa sớm như nếp nhăn và vết chân chim xuất hiện do căng thẳng oxy hóa tăng cao từ hạt vi nhựa.
Người sống ở khu vực ô nhiễm cao cũng dễ bị phơi nhiễm ở mức này, dẫn đến mắt đỏ, kích ứng và khó thở như ho hoặc khò khè.
Rối loạn nội tiết do hóa chất trong hạt vi nhựa cũng có thể gây tăng/giảm cân bất thường và vấn đề tiêu hóa.
Ngoài ra, người tiếp xúc ở mức trung bình thường xuyên mệt mỏi, mất tập trung hoặc suy giảm trí nhớ vì cơ thể phải gồng mình chống lại tác động tích lũy.
Ngưỡng nguy hiểm
Các nhà nghiên cứu cho rằng tiếp xúc kéo dài và liên tục với hạt vi nhựa có thể gây hậu quả nghiêm trọng nhất với sức khỏe con người.
Phơi nhiễm mức cao thường xảy ra ở môi trường làm việc, do uống nước kém chất lượng hoặc sử dụng vải sợi tổng hợp thường xuyên trong quần áo, vật dụng gia đình.
Mức độ phơi nhiễm cao có thể gây ra dấu hiệu lão hóa nghiêm trọng, viêm da mãn tính, phát ban và tình trạng giống chàm. Da có thể đổi màu, nổi cục hoặc xuất hiện vết loét không lành, những dấu hiệu tổn thương tế bào.
Ở giai đoạn này, một số người có thể thấy môi hoặc đầu ngón tay chuyển sang màu xanh tím, cảnh báo suy giảm chức năng phổi.
Ảnh hưởng lên não cũng rất đáng ngại, với nguy cơ phản xạ chậm, giảm trí nhớ, lú lẫn, run tay hoặc khó kiểm soát vận động tinh.
Rối loạn nội tiết trở nên rõ rệt hơn, có thể gây rụng tóc, rối loạn kinh nguyệt hoặc thay đổi cân nặng bất thường.
Thục Linh (Theo NY Post)