![]() |
Gấu trúc được chăm sóc tại Tứ Xuyên. |
Việc trao các "đại sứ có lông" này được gọi một cách hài hước là "ngoại giao gấu trúc".
Đài Bắc sẽ có thể là điểm đến mới nhất của các "đại sứ" đặc biệt này, sau khi Trung Quốc đề xuất gửi 2 chú gấu trúc lớn tới hòn đảo để đánh dấu chuyến thăm lịch sử của thủ lĩnh đối lập Đài Loan Liên Chiến.
Các nhà lãnh đạo thế giới thường tặng quà cho người đồng nhiệm để ghi dấu chuyến thăm chính thức. Nhiều quốc vương và nguyên thủ quốc gia tặng chim, chó hay thậm chí là ngựa đua cho các nhân vật chức sắc tới thăm nước mình. Với người Trung Quốc, gấu trúc lớn được coi là món quà quý nhất.
"Gấu trúc là hình tượng văn hoá chính của Trung Quốc", Phil Dean thuộc Viện nghiên cứu Phương Đông và châu Phi, London nhận xét. "Nó là biểu tượng của tình hữu nghị và hoà bình. Gấu trúc thông minh, dễ thương nên có thể gửi các thông điệp thiện chí".
Ngoại giao gấu trúc bắt đầu từ thập kỷ 1960 và 1970. Những chú gấu trúc nổi tiếng nhất là Hsing-Hsing và Ling-Ling mà chủ tịch Mao Trạch Đông gửi tặng tổng thống Mỹ Nixon năm 1972. Hai năm sau, Thủ tướng Anh Edward Heath về nước với 2 chú gấu cho London Zoo, Ching-Ching và Chia-Chia.
Một số chú gấu trúc hoá ra lại ít "khôn khéo" trong ngoại giao hơn ý định ban đầu của người tặng. Ming-Ming, cô gấu trúc được gửi tới London Zoo để làm bạn với chú Bao Bao, bị "triệu" về Trung Quốc sau khi chàng và nàng đánh nhau và không thể sinh gấu trúc con. Tuy nhiên, dù đôi khi không chịu làm theo các yêu cầu chính thức, nhưng gấu trúc Trung Quốc vẫn tỏ ra là công cụ chính trị quan trọng.
Dần dà, quá nhiều gấu trúc rời khỏi Trung Quốc tới mức các nhà bảo tồn bắt đầu phàn nàn về "cuộc di cư" kiểu này. Gấu trúc lớn là loài thú đang có nguy cơ tuyệt chủng do thiếu môi trường sống và tỷ lệ sinh thấp. Các nhóm bảo vệ động vật lập luận việc vận chuyển gấu trúc giữa các nước khiến sức khoẻ của loài vật quý hiếm này bị nguy hại. Hiện Trung Quốc chỉ có 1.600 con gấu trúc tồn tại trong môi trường hoang dã, trong đó 1.000 con ở tỉnh Tứ Xuyên. Vì vậy, trong những năm gần đây, rất ít gấu trúc được đưa ra khỏi Trung Quốc, đặc biệt là nếu không phải vì mục đích nghiên cứu.
Tất nhiên, đối với Bắc Kinh, tặng gấu trúc cho Đài Loan không có nghĩa là mang loài thú quý này ra nước ngoài. Đại lục coi hòn đảo là một phần lãnh thổ, dù chính quyền Đài Bắc hiện tại không nghĩ thế.
Phil Dean dự đoán gấu trúc có thể có lợi cho Trung Quốc. Đài Loan không có loài thú này. Do vậy, sự xuất hiện của gấu trúc ở hòn đảo có thể tạo ra "cơn sốt gấu trúc", vì những người dân hiếu kỳ đều muốn tới xem tận mắt. Ông lấy dẫn chứng là người Mỹ rất quan tâm đến Hsing-Hsing và Ling-Ling khi Richard Nixon đưa chúng tới Washington năm 1972.
"Nó sẽ tăng mối liên hệ văn hoá giữa Đài Loan và Trung Quốc", Dean nhận xét. "Đây là cách Bắc Kinh tuyên bố họ quan tâm đến người dân Đài Loan, đồng thời nhắc nhớ rằng người Đài Loan cũng là người Trung Quốc".
Nguyễn Hạnh (theo BBC)