Sáng 21/5, tiếp xúc cử tri TP Cần Thơ theo hình thức trực tuyến, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu vấn đề trên và đề nghị đẩy nhanh triển khai các quy hoạch, cơ chế, chính sách để phát huy vai trò trung tâm của Cần Thơ tại Đồng bằng sông Cửu Long, một cực tăng trưởng của cả nước.
Thành phố cần phát triển hạ tầng, nhất là giao thông; hoàn thành các dự án kết nối vùng, liên vùng, để phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng.
![Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xúc trực tuyến cử tri Cần Thơ, sáng 21/5. Ảnh: Nhật Bắc](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/05/21/tiep-xuc-cu-tri-5-165311303008-2632-7585-1653129508.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=uukOvPiCoGw9yboRmM5N9A)
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xúc trực tuyến cử tri Cần Thơ, sáng 21/5. Ảnh: Nhật Bắc
Một số cảng lớn sẽ được đầu tư cùng phát triển khu công nghiệp, nhất là VSIP Cần Thơ. Thủ tướng cho biết đã trao đổi với các đối tác quốc tế về triển khai một số dự án này. Ông lưu ý, làm có trọng tâm, trong đó thực hiện tốt giải phóng mặt bằng, vì càng kéo dài càng lãng phí.
Cần Thơ sẽ là trung tâm đào tạo của vùng, phát triển nhân lực chất lượng cao. Dự án khu hành chính thành phố, trung tâm văn hóa Tây Đô sẽ được triển khai.
Để Cần Thơ là đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á, Chính phủ sẽ đồng hành cùng thành phố thực hiện các mục tiêu đã đặt ra. Việc này cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, người dân, doanh nghiệp.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, Đảng, Nhà nước quan tâm đến phát triển hạ tầng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có cao tốc. Chính phủ đã trình Quốc hội dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
![Hướng tuyến tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ. Đồ họa: Khánh Hoàng](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/05/21/duongsattphcm-cantho-3816-1652-5664-1843-1653129508.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vJnm-QwmMx2-PUgwfXm-ug)
Hướng tuyến tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ. Đồ họa: Khánh Hoàng
Trước đó, ngày 12/5, lãnh đạo Cần Thơ đề nghị, cần khởi công đường sắt Cần Thơ - TP HCM trước năm 2030, để vận chuyển hàng hóa cho Đồng bằng sông Cửu Long; kết nối với TP HCM và khu vực khác.
Theo đại diện liên danh tư vấn lập báo cáo tiền khả thi, dự án có điểm đầu ở ga An Bình (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), điểm cuối đến ga Cái Răng, TP Cần Thơ. Tuyến dài hơn 174 km, có tổng đầu tư khoảng 7 tỷ USD, đi qua 6 địa phương gồm tỉnh Bình Dương, TP HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ với 13 ga.
Đây là tuyến đường đôi, sử dụng khổ đường sắt tiêu chuẩn 1.435 mm, tốc độ thiết kế khoảng 190 km/giờ cho tàu khách và 120 km/giờ cho tàu hàng. Với vận tốc trên, thời gian đi từ Cần Thơ đến TP HCM mất 75-80 phút thay vì 180-240 phút đi đường bộ như hiện nay.
Hồi cuối tháng 3/2022, trả lời kiến nghị cử tri TP Cần Thơ, Bộ Giao thông Vận tải cho biết kết quả nghiên cứu quy hoạch cho thấy đầu tư đường sắt TP HCM - Cần Thơ cấp thiết hơn Cần Thơ - Cà Mau. Lý do nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa giữa TP HCM và Cần Thơ cao hơn.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ đầu tư tuyến cao tốc 4 làn xe từ Cần Thơ đến Sóc Trăng và Cần Thơ đến Cà Mau trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.