Báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội sáng 26/5, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại kỳ họp trước, một số ý kiến đề nghị giảm đại biểu kiêm nhiệm công tác tại các cơ quan hành pháp. Đồng thời, Quốc hội ban hành chính sách thu hút cán bộ công tác lâu năm, có năng lực, sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng còn đủ điều kiện về sức khỏe tham gia làm đại biểu chuyên trách.
Tiếp thu ý kiến trên, Thường vụ Quốc hội đang cùng các cơ quan nghiên cứu, chuẩn bị nội dung đề xuất điều chỉnh thành phần, tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội phù hợp với tinh thần nghị quyết Trung ương; giảm hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp.
Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét dành tỷ lệ nhất định cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý... làm đại biểu chuyên trách mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của Quốc hội; nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số đại biểu.
Ngoài ra, theo ông Tùng, có ý kiến đề nghị giảm tổng số đại biểu Quốc hội còn khoảng 250-300 người. "Tuy nhiên, số lượng không quá 500 đại biểu đã thực hiện ổn định trong nhiều nhiệm kỳ, bảo đảm trong Quốc hội có thành phần, cơ cấu đại diện phù hợp về vùng, miền, dân tộc, tôn giáo, giới, ngành, nghề, độ tuổi...", ông Tùng nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa đồng tình nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên ít nhất 40% để tăng tính chuyên nghiệp, góp phần nâng cao hiệu lực của Quốc hội và giữ nguyên số lượng đại biểu Quốc hội không quá 500.
"Cần nghiên cứu giảm đại biểu kiêm nhiệm công tác ở cơ quan hành pháp, công an, quân sự; tăng đại biểu chuyên trách và dành tỷ lệ tối đa 5% cho chuyên gia, nhà khoa học...", ông Hoà nói.
Chung ý kiến, đại biểu Nguyễn Quốc Hận đề nghị quy định chính sách thu hút cán bộ, công chức, người có năng lực sắp đến tuổi nghỉ hưu tham gia Quốc hội, làm đại biểu chuyên trách. "Đây là những người có trí tuệ, được trau dồi suốt quá trình công tác nên có kinh nghiệm, chín chắn, không ngại va chạm, dám nói thẳng nói thật. Việc thu hút những người này đóng góp cho đất nước là rất cần thiết", ông Hận nói.
Giơ biển tranh luận, ông Lê Thanh Vân - Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cho rằng quan niệm đại biểu phải là chuyên gia am hiểu sâu từng lĩnh vực "không đúng với nguyên lý vận hành của thiết chế Quốc hội". Theo ông Vân, đại biểu Quốc hội là chính trị gia, do vậy yêu cầu đặt ra là nắm chắc nguyên lý vận hành quyền lực Nhà nước, có năng lực đề xuất và xây dựng chính sách.
"Tính chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội mới quan trọng, chúng ta có 100% đại biểu chuyên trách mà không chuyên nghiệp thì hoạt động Quốc hội cũng không đảm bảo thực chất", ông Vân nói.
Theo chương trình, sáng 16/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi).