Sáng 29/10, thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội, nhiều đại biểu quan tâm đến quy định về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng luật hiện hành đã quy định tỷ lệ trên "ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội". Quy định như vậy không hạn chế việc có thể bố trí số đại biểu hoạt động chuyên trách nhiều hơn tỷ lệ nói trên, nên Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên.
"Tỷ lệ cụ thể đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ được xác định trong đề án bầu cử gắn với từng nhiệm kỳ, để bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và nguồn nhân sự thực tế", ông Phúc nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, đa số thành viên Uỷ ban này đồng tình với Thường vụ Quốc hội về tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách; nhưng cũng có người đề nghị sửa đổi theo hướng quy định tỷ lệ tối thiểu với con số cụ thể ở mức cao hơn 35% "để có cơ sở phấn đấu, quy hoạch, bố trí cán bộ".
Là Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường, đại biểu Trần Hồng Hà chia sẻ những khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ đại diện cho người dân. Ông nói, Bộ trưởng chịu trách nhiệm quản lý ngành và lĩnh vực, nhưng thực tế các Bộ phân cấp cho địa phương rất lớn. Vì vậy, đôi khi trên nghị trường đại biểu đưa ra những câu hỏi mà Bộ trưởng không nắm được để trả lời, bị nhân dân phê bình, "trong khi thực tế thẩm quyền đó đã phân cấp cho địa phương".
Từ thực tế trên, ông Hà nêu băn khoăn, "phải chăng cứ Bộ trưởng, Chủ tịch UBND là đại biểu Quốc hội hay không?". "Chúng tôi muốn chuyển phần này sang để Quốc hội không tăng tổng số đại biểu, nhưng tăng số lượng đại biểu chuyên trách, nhất là những đại biểu có kiến thức, kinh nghiệm trong quản lý và xây dựng pháp luật", ông Hà nói.
Nhấn mạnh thêm việc tăng đại biểu chuyên trách là cần thiết, ông Hà cho rằng sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội lần này "phải nhìn nhận lại vấn đề nêu trên". Dẫn kinh nghiệm nghị viện các nước trên thế giới "chất vấn Bộ trưởng bất cứ lúc nào chứ không phải đợi tới kỳ họp", ông Hà nói Quốc hội Việt Nam cũng có quyền yêu cầu không chỉ Bộ trưởng mà còn cả chủ tịch UBND các địa phương trả lời chất vấn, giải trình.
"Nếu thay đổi cách làm như vậy và quy định trong Luật thì tôi nghĩ đây là bước thay đổi hoạt động của chúng ta, vừa hiệu quả, thiết thực và phù hợp hơn với vị trí, chức năng", ông Hà nói thêm.
Chủ tịch Hội cựu Chiến binh Việt Nam, đại biểu Nguyễn Văn Được cũng chia sẻ những khó khăn khi công việc ở Hội chiếm quá nhiều thời gian. "Với tổ chức của chúng tôi, các cơ quan nhà nước có cuộc họp gì cũng phải đi nên nhiều khi công văn, giấy tờ chưa kịp nghiên cứu. Cần phải tăng đại biểu chuyên trách từ 35 lên 40% hoặc hơn nữa để phục vụ nghiên cứu sâu khi xây dựng pháp luật", ông Đước nói.
Đề cập đến việc từng có đại biểu cả kỳ họp không tham gia ý kiến nào, ông Được phân tích, có những vị lãnh đạo "đã phát biểu ở họp Bộ Chính trị và họp Trung ương rồi thì ra Quốc hội không thể nói khác, không phát biểu cũng được", nhưng ông quan sát thấy "nhiều lãnh đạo cấp tỉnh không ai nói gì, chỉ có đại biểu chuyên trách nói".
"Không phát biểu là không chính kiến, thế thì làm sao mà đại biểu Quốc hội mạnh được", ông Được băn khoăn.
Chung ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phân tích, thực tế hoạt động Quốc hội cho thấy những người chuyên trách hoạt động hiệu quả do "họ làm việc toàn thời gian, nghiên cứu chuyên sâu". Trong khi đó, nhiều đại biểu không chuyên trách, "ngay việc phát biểu ý kiến cũng e ngại vì sợ đụng chạm; điều này phần nào hạn chế khả năng nêu chính kiến".
"Cảm nhận của tôi là cán bộ chuyên trách ở các Uỷ ban hiện nay ít quá, ví dụ tại Uỷ ban Tài chính ngân sách, nếu có thêm cán bộ chuyên môn thì thẩm tra ngân sách sẽ tốt hơn", bà Tâm nói và đề nghị tăng số lượng đại biểu chuyên trách lên 37-40% và quy định cứng trong Luật.
Theo quy định hiện hành, tổng số đại biểu Quốc hội không quá 500 người, bao gồm đại biểu hoạt động chuyên trách và không chuyên trách. Số lượng người hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu.
Đại biểu chuyên trách dành toàn bộ thời gian làm việc tại cơ quan của Quốc hội (hội đồng dân tộc và các uỷ ban) hoặc tại đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương. Còn đại biểu không chuyên trách phải dành ít nhất 1/3 thời gian làm việc trong năm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội.
Luật Tổ chức Quốc hội được ban hành năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Đây là lần đầu tiên dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này trình xin ý kiến Quốc hội.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội bổ sung quy định tiêu chuẩn về quốc tịch đối với đại biểu. Theo đó, "đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam", nhằm bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn.
Hoàng Thuỳ - Minh Anh