Ngày 21/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri TP Hải Phòng sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Ông Trần Văn Hùng, 72 tuổi, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hải Phòng, nói "là thành phố có số thu ngân sách đứng thứ 3 cả nước, cử tri rất mong muốn Hải Phòng cũng sẽ một số cơ chế đặc thù để phát triển như Hà Nội và TP HCM".
Trả lời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, Bộ Chính trị đã có nghị quyết về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Hiện Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị chương trình hành động và một số cơ chế tạo nền tảng quan trọng để thành phố phát triển giai đoạn tới.
"Thậm chí chúng tôi nghiên cứu đến vấn đề chính quyền đô thị của Hải Phòng như thế nào, vận dụng như một số thành phố khác hay có những cơ chế đặc thù nào để trở thành đô thị động lực cho đất nước, là thành phố phát triển ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương và có tên tuổi ở khu vực Đông Nam Á", Thủ tướng nói.
Về cơ chế và nội dung chương trình hành động phát triển TP Hải Phòng, ông nói "chúng tôi sẽ xem xét ban hành thấu tình đạt lý, cân đối các mặt của nước ta, trong đó có nghiên cứu các đặc điểm riêng của địa phương".
Trả lời câu hỏi của cử tri Ngô Thị Hải Ninh về lũ lụt miền Trung, Thủ tướng nêu rõ, cùng với thiên tai còn có nhân tai, tác động của con người đến tự nhiên. Hiện tượng lũ lụt vừa qua có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân trực tiếp là mưa bão với tần suất lớn, kèo dài liên tục nhiều ngày, trên địa hình dốc đứng như ở miền Trung. Nhưng cũng cần xem xét đến trách nhiệm, tác động của con người trong vấn đề này.
Thủ tướng đặt vấn đề, phải tiếp tục phát triển rừng ở mỗi vùng, miền của Tổ quốc, nhất là những vùng hứng chịu nhiều thiên tai thì càng phải chú ý đến môi trường tự nhiên. Ông nhắc lại phát biểu trước Quốc hội về đề xuất trồng một tỷ cây xanh trong 5 năm tới, tương đương với 5 triệu ha rừng. Với số dân gần 100 triệu người thì mỗi người trồng 2 cây một năm, "chưa phải là nhiều". Hơn nữa, làm chương trình này rất có ý nghĩa trong đời sống xã hội.
Cho rằng việc sạt lở ở các dòng sông có trách nhiệm của hành vi khai thác cát trái phép, Thủ tướng nhấn mạnh, tình trạng khai thác gỗ, cát, khai thác rừng trái phép... phải tiếp tục được chấn chỉnh, xử lý.
Lãnh đạo Chính phủ cũng ghi nhận ý kiến của cử tri về việc sử dụng đất đai làm sao hiệu quả nhất, tốt nhất. "Muốn có sản xuất lớn thì cần có diện tích đất cần thiết. Đại hội Đảng lần thứ XIII sắp tới sẽ đặt ra vấn đề này, trên cơ sở đó Chính phủ có cơ sở trình Quốc hội khóa mới sửa đổi Luật Đất đai 2013 để huy động nguồn lực đất đai phát triển đất nước", Thủ tướng nói.
Hôm 16/11, với 420 đại biểu tán thành (87%), Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM, sáng 16/11. Trước đó, tháng 11/2019 và tháng 6/2020, Quốc hội cũng đã lần lượt thông qua hai nghị quyết thí điểm chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và TP Đà Nẵng.
Giang Chinh