Theo quyết định này, việc cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư nước ngoài và các điều ước quốc tế mà VN ký kết hoặc gia nhập.
Trong trường hợp thay đổi về tổ chức như sáp nhập, giải thể, cổ phần hoá hoặc thay đổi phần vốn góp của Nhà nước, cơ quan tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo Bộ Bưu chính Viễn thông để xem xét việc cấp lại hoặc thu hồi giấy phép theo đúng quy định về đối tượng được cấp phép.
Đồng thời, cơ quan, tổ chức doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của hồ sơ xin cấp giấy phép viễn thông. Căn cứ vào hồ sơ này, Bộ Bưu chính Viễn thông tiến hành thẩm định và cấp giấy phép hoặc từ chối cấp giấy phép theo quy định. Cơ quan tổ chức doanh nghiệp sau khi nhận được giấy phép viễn thông có trách nhiệm và chủ động triển khai thực hiện các hoạt động ghi trong giấy phép và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ của mình theo quy định của pháp luật và các quy định giấy phép đã được cấp.
Nhà nước sẽ ưu tiên cấp giấy phép cho các đề án có khả năng triển khai nhanh chóng trên thực tế, có cam kết cung cấp lâu dài cho đông đảo người sử dụng dịch vụ; các đề án cung cấp dịch vụ đến các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo; các đề án cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước và An ninh, quốc phòng.
Trong trường hợp việc cấp giấy phép liên quan đến sử dụng tần số, kho số, thì giấy phép được xem xét cấp nếu việc phân bổ tần số, kho số có thể thực hiện được theo đúng quy hoạch đã phê duyệt.
Hồng Anh