Cháu Minh được đưa tới bệnh viện địa phương cấp cứu. Kết quả chụp CT sọ phát hiện khối máu tụ ngoài màng cứng ở vùng trán - thái dương, xương sọ cháu bị lún và vỡ. Cháu đã được chuyển tiếp đến Bệnh viện Nhi Trung ương để mổ cấp cứu lấy máu tụ, dẫn lưu. Một tuần sau mổ, tình trạng sức khỏe cháu ổn định, được ra viện.
Thạc sĩ Trần Văn Học, khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nguy cơ chấn thương sọ não ở trẻ em không chỉ gặp trong tai nạn giao thông mà tiềm ẩn trong mọi tình huống.
Chấn thương sọ não có nhiều mức độ:
- Nhẹ nhất là khối tụ máu dưới da đầu (thường gọi là u đầu, sờ thấy một cục nhỏ mềm dưới da), khối u tự tan sau vài ngày đến vài tuần.
- Nặng hơn là tổn thương ở xương sọ (nứt xương, lõm sọ hay vết thương sọ não).
- Nghiêm trọng hơn nữa là tổn thương trong hộp sọ (máu tụ bên ngoài hay dưới màng cứng, dập não). Nếu không được cứu chữa kịp thời, trẻ có thể tử vong hoặc nếu qua khỏi cũng để lại di chứng nặng nề.
Chấn thương nhẹ và vừa có thể khiến trẻ đau đầu, quấy khóc nhiều, nôn nhiều, ly bì, hôn mê hoặc có khoảng tỉnh nhưng sau đó xuất hiện hôn mê trở lại.
Chấn thương nghiêm trọng với tổn thương trong sọ có thể dẫn tới các dấu hiệu thần kinh như co giật, yếu liệt chân, giãn đồng tử và hôn mê, ngủ gọi không tỉnh dậy.
Trong trường hợp nền sọ bị vỡ, trẻ có thể bị tụ máu quanh hốc mắt hoặc chảy máu ở lỗ tai, lỗ mũi trong vài giờ hoặc vài ngày sau tai nạn.
Theo bác sĩ Học, khi trẻ bị tai nạn, gặp chấn thương nhất là ở vùng đầu, gia đình không nên chủ quan, cần theo dõi sát tình trạng ý thức của trẻ và các biểu hiện đau đầu, nôn, liệt… Nếu có bất thường và nghi ngờ chấn thương sọ não cần đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để được khám và xử lý kịp thời.
Khánh Chi
* Tên bệnh nhi đã được thay đổi