Chân trái đạp côn, chân phải rà thắng, anh Nguyễn Đức Hiển kiên nhẫn lái xe container 40 feet nhích từng chút trên đường Nguyễn Thị Định. Hiển đã mất 30 phút cho quãng đường 2 km dù điểm đến - cảng Cát Lái, ngay trước mặt. Cảng có tới 5 cổng giao nhận hàng nhưng chỉ một con đường dẫn vào rộng 12 m, hỗn hợp các làn xe.

Trung bình mỗi ngày, đoạn đường này gánh 20.000 ôtô ra vào cảng, tức 14 lượt mỗi phút, đa phần là container. Năm 2021, sản lượng hàng hoá vào Cát Lái đã vượt 91% thiết kế, nghĩa là cung đường vào cảng cũng đang phải gánh sự quá tải tương đương.

Cát Lái mang lại nguồn thu ngân sách lớn nhất cho TP HCM, nơi tập trung khoảng 70% lượng container xuất, nhập khẩu cả nước. Những con đường quanh cảng cũng là nơi ùn tắc nghiêm trọng và nhiều tai nạn nhất thành phố.

“Chúng tôi gọi là những cung đường tử thần”, tài xế Hiển nói, nhắc tới số liệu thống kê “cứ 10 người gặp tai nạn giao thông ở khu vực cảng Cát Lái thì 8 người chết”.

Thấy rõ áp lực này, Sở Giao thông Vận tải đã lập dự án nâng cấp đường Nguyễn Thị Định từ năm 2016, mở rộng mặt đường lên 70-77 m, tức hơn 6 lần hiện nay với tổng đầu tư 1.443 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm, dự án vẫn “án binh bất động" vì chưa có vốn.

Bế tắc, năm nay, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông phải đưa công trình vào danh sách 29 dự án tạm gác lại cùng 47 dự án đã có trong kế hoạch nhưng chưa được bố trí vốn.

Trong khi đó, cũng nằm trên đường Nguyễn Thị Định, cách cảng Cát Lái chưa đầy 500 m, dự án nút giao Mỹ Thuỷ có vốn từ sớm nhưng lại liên tục gặp khó trong quá trình thực hiện. Hệ quả là tiến độ chậm và đội vốn từ 1.998 tỷ đồng lên 3.622 tỷ. Hàng loạt dự án hạ tầng khác quanh khu vực như: nâng cấp đoạn đường Lương Định Của; mở rộng đường Đồng Văn Cống… đều trong trạng thái trễ hẹn.

Tài xế Hiển nói không kỳ vọng nhiều về loạt dự án ở khu vực cảng Cát Lái. 10 năm trước, cánh tài xế từng mừng rơn khi nghe 5 km tỉnh lộ 25B (đường Đồng Văn Cống ngày nay) được mở rộng từ 12 m lên 60 m. Nào ngờ, mất 8 năm đường mới hoàn thành. “Tính ra một năm không xong được một km. Đến lúc đường mở rộng thì lượng container ra vào cảng cũng tăng nên vẫn không thoát cảnh kẹt xe”, anh Hiển nói.

Loạt dự án ‘bế tắc’ ở cảng Cát Lái

Số liệu: Ban Giao thông (TCIP)


“Nghịch lý là nơi thì kẹt tiền, nhưng nơi tiền lại kẹt, không tiêu được”, Phó đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM Văn Thị Bạch Tuyết nói và cho rằng đây là căn bệnh trầm kha trong giải ngân vốn đầu tư công suốt nhiều năm nay.

Đầu tư công là khoản tiền ngân sách nhà nước sử dụng cho các các dự án hạ tầng cứng (giao thông, đô thị…) và hạ tầng mềm (y tế, giáo dục…) nhằm đảm bảo cung cấp lợi ích công cộng cơ bản cho người dân. Đây còn là cách nhà nước can thiệp vào nền kinh tế, “bơm tiền” vào xã hội, tạo công ăn việc làm, kích thích tăng trưởng.

Hiệu quả đầu tư công là một trong những chỉ báo cho thấy hiệu quả quản trị của chính quyền. Tỷ lệ giải ngân thấp, hay các dự án đầu tư công trì trệ, đội vốn, đều dẫn đến hệ quả là trì hoãn quyền lợi của người dân.

Giải ngân đầu tư công chậm không phải vấn đề riêng của địa phương nào, mà là tình trạng trên cả nước và ở nhiều bộ ngành. Đến hẹn lại lên, vào khoảng giữa năm, Thủ tướng lại phải ban hành công điện “nhắc nhở” các bộ ngành, địa phương tiêu tiền quá chậm. Hết 10 tháng, tỷ lệ giải ngân trung bình trên cả nước là 51,34%, đạt một nửa kế hoạch năm.

*Đơn vị: Tỷ đồng

*Click để xem chi tiết

Số liệu: Bộ Kế hoạch và Đầu tư


Nhắm không thể tiêu hết số tiền mà Trung ương giao, nhiều nơi đã đề xuất giảm vốn. Tổng số vốn xin giảm chiếm khoảng 3% số vốn giao, đặc biệt cao ở một số cơ quan như: Ủy ban dân tộc - 98%; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - 84%; Đại học Quốc gia Hà Nội - 63%… Đây đều là những nơi có tỷ lệ giải ngân thấp.

Trong 63 tỉnh, thành, “đầu tàu kinh tế” TP HCM hiện giải ngân thấp nhất cả nước – gần 27%, tức mỗi tháng chỉ tiêu được gần 2,7% vốn được giao. Tình trạng giải ngân “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm ồ ạt” của TP HCM đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa năm nào chậm như năm 2022. Thành phố lý giải nguyên nhân do xung đột quân sự, lạm phát và suy thoái kinh tế tại nhiều nước khiến giá nhiên liệu, nguyên vật liệu tăng; nhân lực chuyên gia gián đoạn…

Khi đề xuất Trung ương giao vốn trung hạn, TP HCM luôn nằm trong nhóm địa phương “khát vốn” lớn. Như giai đoạn 2016-2020, nhu cầu của thành phố là 360.000 tỷ đồng, thực tế chỉ được bố trí 150.000 tỷ, tức 52%. Giai đoạn 2021-2025, số vốn Trung ương duyệt chỉ đáp ứng hơn 1/5 - được 142.000 tỷ đồng trên 672.000 tỷ con số nhu cầu vốn.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cũng từng thừa nhận thực tế, không có tiền thì “kêu”, nhưng có tiền thành phố cũng không tiêu được, thể hiện ở kết quả giải ngân rất thấp.

Tỷ lệ giải ngân TP HCM qua các năm

Số liệu: Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM

Vì sao khó ‘tiêu tiền’?

Lý giải cho sự chậm trễ của các dự án đầu tư công, nguyên nhân đầu tiên và lớn nhất được thành phố cũng như các chủ đầu tư dự án nêu ra là giải phóng mặt bằng.

Là đơn vị được TP HCM bố trí nhiều vốn nhất năm nay - hơn 5.600 tỷ đồng, tương đương 17% tổng vốn đầu tư công toàn thành phố, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (TCIP) mới giải ngân được 30%.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc TCIP lý giải nguyên nhân là do đặc điểm từng nguồn vốn và khẳng định “đến tháng 12 Ban có thể giải ngân 95%”. Cụ thể, với loại dự án xây lắp, Ban giải ngân theo từng tháng. Loại dự án mới (khi khởi công) hoặc dự án giải phóng mặt bằng (khi phê duyệt phương án bồi thường), tỷ lệ giải ngân có thể “lập tức tăng vọt từ 0% lên 100%”.

Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân phần vốn giải phóng mặt bằng của Ban này lại phụ thuộc địa phương có giao mặt bằng đúng cam kết không. Khâu này thường gặp rất nhiều vướng mắc. Bằng chứng là trong 75 dự án trễ hẹn từ năm 2005 đến nay, có đến 89% (67 dự án) là do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài.

Chi phí giải phóng mặt bằng thường chiếm khoảng một nửa tổng mức đầu tư. Thời gian thực hiện các thủ tục trước khi thu hồi, bàn giao mặt bằng cũng thường dài 14-18 tháng, thậm chí 2-3 năm. Do đó, các dự án này thường rơi vào trạng thái tăng chi phí bồi thường dẫn tới tăng tổng mức đầu tư vì giá đất biến đổi nhiều theo thời gian.

Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Hoà An nói việc phê duyệt phương án bồi thường phải tính toán song song ba phương án là giá, chuyển đổi nghề nghiệp và tái định cư cho người dân. Tuy nhiên, quá trình này thường nghẽn ở hai điểm: giá và phương án tái định cư.

“10 năm làm ở huyện Nhà Bè, tôi chưa từng thấy trường hợp người dân chịu lên ở chung cư. Sở Xây dựng đảm bảo bố trí đủ quỹ nhà tái định cư để lo cho dân, nhưng dân không nhận thì phải làm sao”, ông đặt câu hỏi và chỉ ra nghịch lý tổng quỹ nhà tái định cư của TP HCM dư nhưng lại bỏ trống vì người dân không muốn ở.

Ông dẫn chứng nhiều dự án kè sau 7-8 năm không phê duyệt được phương án tái định cư do người dân không muốn lên sống tại chung cư, dù ở vị trí đẹp, giá bất động sản cao như quận 7 hay quận 2 (cũ). Đối với nền tái định cư, khó khăn là nhiều trường hợp phần đất bồi thường 40-50 m nhưng nền tái định cư lại 80 m, trong khi người dân lại không muốn hoặc không đủ khả năng bỏ tiền chi trả cho phần chênh lệch này.

Thực tế, 10 tháng qua, 200 dự án bồi thường giải phóng mặt bằng được TP HCM ghi vốn trong năm nay mới giải ngân được 28,41%. Hệ quả là tỷ lệ giải ngân chung của các dự án đầu tư công toàn thành phố cũng chỉ đạt gần 27%.

Tỷ lệ giải ngân vốn giải phóng mặt bằng tại TP HCM tính đến tháng 10/2022