Làm giám đốc vận hành dự án 4 tỷ USD Hoiana tại Nam Hội An, ông Steve Wolstenholme, cho biết công ty muốn tìm nhân sự người Việt nắm giữ vị trí lãnh đạo cấp cao khi dự án đi vào hoạt động. Dự kiến Hoiana tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động, phần đông là người Việt Nam và lao động địa phương.
Tuy nhiên, công ty gặp khó khăn trong việc tuyển dụng, bởi mô hình nghỉ dưỡng phức hợp còn khá mới mẻ nên người lao động tại Việt Nam cần thêm thời gian để tìm hiểu trước khi đầu quân và gắn bó lâu dài.
Ông Steve nhận định thanh niên Việt Nam có ưu điểm nổi trội đó là thái độ cầu tiến và tinh thần ham học hỏi. Điều này rất quan trọng bởi kỹ năng có thể đào tạo nhưng thái độ cầu thị là bản năng. Tuy nhiên, trình độ ngoại ngữ, chuyên môn là những hạn chế cần cải thiện thông qua các chương trình đào tạo.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, Tào Văn Nghệ, nhân lực mảng lưu trú chủ yếu thiếu nguồn quản lý cao cấp. CEO (giám đốc điều hành) của các khách sạn - resort liên doanh hoặc của nước ngoài tại Việt Nam hầu như không có người Việt.
Trung bình mỗi hướng dẫn viên phục vụ 869 khách mỗi năm
Theo Vụ Lữ hành thuộc Tổng cục Du lịch, hiện cả nước có hơn 14.800 hướng dẫn viên quốc tế và hơn 8.600 hướng dẫn viên nội địa. Đa phần lực lượng này tập trung ở các trung tâm du lịch của cả nước và phân bổ không đồng đều giữa các ngoại ngữ, khi chủ yếu nói tiếng Anh.
Nếu chia đều cho lượng khách nước ngoài vào Việt Nam (13 triệu lượt năm 2017), mỗi hướng dẫn viên quốc tế phải phục vụ khoảng 870 khách mỗi năm. Đây là con số gần gấp đôi bình quân các nước. Nếu tính cả 7 triệu người Việt Nam ra nước ngoài thì sự thiếu hụt càng trầm trọng. Ước tính cần lượng hướng dẫn viên quốc tế gấp ba lần hiện nay mới đáp ứng được.
Với du lịch nội địa, hướng dẫn viên càng thiếu nhiều hơn. Tổng cục Du lịch công bố năm 2017, Việt Nam có 73 triệu khách du lịch trong nước. Nếu chia đều cho hơn 8.600 hướng dẫn viên nội địa thì mỗi người phải phục vụ 8.400 khách mỗi năm. Nghĩa là mỗi ngày, hướng dẫn viên phục vụ 23 khách, không được nghỉ ngày nào.
Đào tạo không sát với thực tế
Việc thiếu hụt nhân lực du lịch đặt ra dấu hỏi lớn với công tác đào tạo. Bởi theo thống kê của Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có 192 cơ sở tham gia giảng dạy liên quan đến lĩnh vực này. Trung bình, mỗi năm hệ thống giáo dục cho ra khoảng 20.000 sinh viên ngành du lịch. Tuy nhiên, nguồn nhân lực đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, dẫn đến tình trạng thừa lao động nhưng thiếu nhân lực chất lượng.
Một số mã ngành đào tạo du lịch hiện chưa rõ ràng. Cùng ngành quản trị du lịch, nhưng quản trị lữ hành và quản trị khách sạn - nhà hàng hoàn toàn khác biệt. Tên trường, tên khoa cũng chưa thống nhất. Du lịch (tourism) bao gồm cả lữ hành (Tourist, Travel, Tours) và khách sạn - nhà hàng (hotel – restaurant). Nhưng một số trường và các khoa đặt tên "Du lịch và khách sạn nhà hàng" hoặc "Du lịch và khách sạn".
Hay hướng dẫn viên du lịch đang được đào tạo dưới mã ngành Việt Nam học, nghiên cứu về Việt Nam nói chung và chưa có chương trình đào tạo chuẩn. Lý thuyết chiếm 80% khung giảng dạy trong khi thời gian thực hành ít.
Nhiều sinh viên theo 4 năm đại học chuyên ngành du lịch, nhưng ra trường muốn làm hướng dẫn viên nội địa, vẫn phải đi học thêm vài tháng nghiệp vụ. Bằng cách đó, các sinh viên có thể chọn học ngoại ngữ rồi bổ túc nghiệp vụ du lịch để được cấp thẻ hướng dẫn viên quốc tế. Có những lớp du lịch, ra trường theo nghề chưa tới 10%. Các doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại sau khi tuyển dụng.
Một trong những nguyên nhân cốt lõi là chương trình đào tạo hiện nay thiếu kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp. Nắm bắt được điều đó, hiện một số trường đã phối hợp với doanh nghiệp để tăng thời gian thực hành, đặc biệt là với chuyên ngành lữ hành.
Để bổ sung nguồn nhân lực, nhiều doanh nghiệp thậm chí còn chủ động liên kết với các trường để kết hợp đào tạo, thực tập. Như với Hoiana, công ty đã thỏa thuận hợp tác với trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch tỉnh Quảng Nam (đặt tại xã Duy Phước) để thành lập một trung tâm đào tạo nghề.
"Chúng tôi đã khai giảng hai khóa đào tạo golf được cấp chứng chỉ đầu tiên ở châu Á là bảo trì và điều hành sân golf. Các lớp đào tạo nghiệp vụ khách sạn sẽ được bắt đầu sau Tết nguyên đán", ông Steve chia sẻ.
Như ở Việt Nam, nhiều khách sạn cũng đều gặp bài toán khó về nhân sự. Mường Thanh – một trong những tập đoàn lớn với gần 60 khách sạn và dự án khách sạn trải dài khắp đất nước, cũng cần phải giải bài toán này để đáp ứng khoảng 10.000 nhân viên không chỉ ở thành phố đô thị lớn mà cả các vùng miền núi xa xôi. Tổng giám đốc Mường Thanh, Lê Thị Hoàng Yến, cho biết nhiều người từng khuyên bà nên hợp tác với một tập đoàn nước ngoài "cho đỡ mệt".
Tuy nhiên, nhiều năm qua, Mường Thanh vẫn kiên trì theo đuổi xây dựng một chuỗi khách sạn với 100% nhân sự Việt. Để giải quyết bài toán này, Mường Thanh đã mời các chuyên gia châu Âu cùng tham gia xây dựng Quy trình thao tác chuẩn (SOP) với những yêu cầu chặt chẽ trong từng nghiệp vụ. Nhân sự các mảng đều được đào tạo theo SOP, sau đó mới bắt đầu vào việc tại các khách sạn.
Nguyễn Văn Mỹ
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nội dung sẽ được thảo luận tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam, thuộc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 (Vietnam Economic Forum - ViEF) vào 2 ngày 5-6/12 ở Hà Nội.
Diễn đàn là sự kiện gặp gỡ, đối thoại và hội đàm cấp quốc gia lần đầu tiên của ngành du lịch; là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước nắm bắt toàn diện hơn các cơ chế, chiến lược, tiềm năng quốc gia cũng như những vấn đề còn tồn tại, thách thức cho sự phát triển của du lịch Việt Nam.
Chương trình do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp cùng VnExpress và Hội đồng tư vấn du lịch TAB tổ chức.
Theo dõi chương trình và đăng ký tham dự tại: https://vief.vnexpress.net