Việt Trần, 33 tuổi, có kinh nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch 10 năm. Sau đó, anh nghỉ việc và thành lập một công ty chuyên về du lịch.
Trong thời gian mở công ty và làm điều hành tour, anh cho biết đã gặp nhiều tình huống trớ trêu. Điều này đến không chỉ từ các khách hàng, mà còn từ chính người thân, bạn bè anh.
"Tôi sợ nhất là đặt phòng cho bạn bè, người nhà". Theo Việt, mọi người luôn nghĩ rằng anh làm trong ngành du lịch nên việc mua được vé máy bay, phòng khách sạn giá rẻ. Do vậy, có người nhờ anh đặt hộ phòng khách sạn của một resort nổi tiếng trong Đà Nẵng trước nhiều tháng.
Đặt vào mùa cao điểm lại được giá rẻ, nên khách hủy phòng không được hoàn tiền. Lần đầu, do chủ quan và ngại bạn, anh ứng tiền ra trước và tự nhủ khi nào bạn vào ở sẽ trả tiền lại sau. Tuy nhiên đến gần ngày khởi hành, người bạn của Việt gọi điện cho anh và thông báo hủy chuyến du lịch vì nhà có việc bận.
Đến khi Việt nhắc đến vấn đề trả tiền phòng hai đêm khách sạn đã đặt trước hàng tháng đó, anh đã rất khó khăn để giải thích cho bạn hiểu. Người bạn một thời gian sau còn nghĩ anh làm khó mình. Vợ của người bạn này còn khăng khăng không trả tiền vì "có ở đâu mà trả" làm anh phải ngậm ngùi.
Một trường hợp đặt phòng giúp người thân khác cũng làm chàng điều hành tour trẻ "nhớ đời". Lần đó, rút kinh nghiệm lần trước, anh thu luôn tiền phòng của vợ chồng người bạn. Anh cũng nói rõ là nếu hủy phòng trước thời gian nào thì không mất tiền, hủy sau thời gian nào phải mất bao nhiêu. Hai vợ chồng đồng ý và Việt tưởng như thở phào nhẹ nhõm.
Khi hai vợ chồng đến nơi, người vợ phát hiện tại khách sạn thời điểm đó có phòng còn rẻ hơn phòng mà Việt đặt cho họ 300.000 đồng. Người bạn anh sau này về nửa đùa nửa thật bảo: "Vợ tớ bảo cậu đặt phòng khách sạn đắt thế. Giảm 30% rồi mà vẫn còn đắt hơn giá phòng bán trực tiếp tại khách sạn".
"Họ không hiểu rằng, giá phòng tôi đặt cho họ là đặt trước đó hàng tháng, và lúc đó là thời điểm giá phòng thấp nhất mà họ bán. Tuy nhiên, nhiều khách sạn chạy chiến dịch giá phòng vào phút chót. Đó là những phòng trống khách sạn giảm giá vào phút chót. Ví dụ như 14h bạn nhận phòng thì trước đó vài tiếng, họ mới tung ra giá khuyến mại. Những điều này dân trong ngành nghe là hiểu luôn, nhưng để giải thích với dân ngoại đạo thì rất khó", Việt Trần nói.
Ngoài việc đặt phòng riêng lẻ, Việt cũng gặp không ít lần lao đao vì đặt phòng, mua vé máy bay cho cả đoàn. Nhiều du khách quan niệm rằng càng đông thì càng rẻ, giống như kiểu mua đồ càng nhiều càng được giảm giá. Nhưng theo Việt, quan điểm này hoàn toàn sai lầm.
Đối với vé máy bay, trừ bao nguyên chuyến theo kiểu charter, còn lại nếu đoàn đi đông thì việc mua vé máy bay giá rẻ rất khó. Vì theo quy định của hãng hàng không, mỗi người chỉ được giới hạn tối đa số lượng người mua trong một lần đặt vé giá rẻ hoặc vé 0 đồng. Thông thường là từ 6-8 người một lần. Do đó, nếu chuyến bay đó hãng có bán vé 0 đồng, thì chỉ có một số ít được hưởng giá vé đó, chứ không phải là cả đoàn.
Điều này tương tự đối với đặt phòng khách sạn. Ban đầu, anh rất chịu khó giải thích cho khách hàng, người thân. Tuy nhiên, sau quá nhiều lần gặp sự cố, Việt đã phải từ chối thẳng bạn bè mình. Nếu có ai nhờ anh đặt phòng, đặt vé, thay vì mua hộ anh sẽ hướng dẫn họ lên các trang đại lý để mua.
Ngoài người thân, nhiều khách hàng cũng khiến Việt "đau đầu". Anh kể rằng một đoàn khách vừa đặt chân tới sân bay Pháp đã ầm ĩ gọi điện về cho anh kêu đói và đòi ăn thịt rang cháy cạnh, rau muống luộc.
"Tôi đã phải giải thích với họ rằng, do múi giờ chênh lệch nên thời điểm đó ít nhà hàng mở cửa để phục vụ bữa trưa. Hơn nữa, ở giữa đất Paris thì kiếm đâu ra thịt rang cháy cạnh với rau muống", anh kể.
Một điều Việt cũng mong muốn người Việt Nam khi đi du lịch thay đổi suy nghĩ. Đó là ứng xử văn minh đối với tiền tip. Việt cho biết, rất nhiều đoàn khách chi tiêu hào phóng, mua sắm hàng chục nghìn USD mỗi lần. Tuy nhiên đến khi hướng dẫn viên thu mỗi người 5 USD tiền tip một ngày, thì họ lại kỳ kèo, bớt một thêm hai. Có phụ nữ dứt khoát trả tiền tip cho riêng mình và đòi hướng dẫn viên bớt tiền tip cho con trai cô.
"Vị khách đó bảo với tôi là con trai cô ấy còn bé, mới 16 tuổi thôi. Thằng bé chưa kiếm ra tiền sao lại phải đóng tiền tip. Lúc đó, tôi thật sự dở khóc dở cười". Anh kể có đoàn khách thì khăng khăng chỉ đóng nửa tiền tip. Lý do là chỉ cần tip cho hướng dẫn viên ở nước ngoài, còn hướng dẫn viên đi cùng đoàn từ Việt Nam sang thì "không cần thiết".
Dù tiền tip đã được ghi sẵn trong hợp đồng khi đi tour, nhưng khi thu tiền tip cũng là một điều gian nan với không ít hướng dẫn viên. Việt cho anh biết anh có một mẹo nhỏ là thu tiền tip ngay từ đầu chuyến đi, khi đó mọi người còn đang khí thế.
Nếu đoàn không đồng ý phương án này, anh sẽ xé ra thu lẻ. Ví dụ ngày thứ nhất, anh thu tiền tip 3-4 người, những vị khách dễ tính hoặc nhằm lúc họ đang vui vẻ. Đến ngày thứ hai, anh lại thu thêm 3-4 người khác và lặp lại điều này cho đến ngày cuối cùng của chuyến đi.
Việt cho biết, anh luôn dặn hướng dẫn viên tránh thu tiền tip cả đoàn vào ngày cuối cùng. Đó là thời điểm nhạy cảm, mọi người đều mệt mỏi và có thể trên đường đi tour xảy ra vài điều khiến họ không hài lòng. Như thế, tiền tip sẽ khó thu hơn.
"Điều tôi mong muốn là mỗi du khách hãy nên cư xử lịch sự với văn hóa tiền tip. Đành rằng hướng dẫn là công việc của họ, nhưng họ cũng là con người. Họ đi cùng các bạn suốt cả một tuyến tour, luôn là người thức dậy đầu tiên, đốc thúc mọi việc, giúp khách vận chuyển hành lý. Họ cũng là người ăn cuối cùng và đứng lên đầu tiên trong bữa ăn. Hướng dẫn viên là những người rất vất vả, vì vậy hãy coi tiền tip là một món quà nhỏ động viên họ", Việt chia sẻ.