Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, Tập đoàn may thêu Thuận Phương ở quận 6 cần tuyển 100 công nhân, nhận hồ sơ đến tháng 2/2023. Lao động chưa có tay nghề sẽ được đào tạo, thu nhập 7-15 triệu đồng mỗi tháng. Đầu tháng 11, khi nhận thông tin Công ty giày Tỷ Hùng ở quận Bình Tân giảm 1.185 lao động vì thiếu đơn hàng, ban giám đốc yêu cầu bộ phận nhân sự đến tận nơi tuyển người.
Đã hơn hai lần nhân viên tuyển dụng đến tận nhà máy, các khu trọ có công nhân Tỷ Hùng ở để gặp gỡ, tư vấn trực tiếp. Doanh nghiệp cũng phối hợp chi nhánh Bảo hiểm thất nghiệp quận 6 phát tờ rơi tuyển dụng đến lao động. "Tuy nhiên đến nay không ai đến nhận việc chính thức", ông Bùi Văn Duy, phụ trách tuyển dụng của Thuận Phương Group, nói.
Tương tự, khi giới thiệu việc cho công nhân bị cắt giảm, ngành chức năng quận 12 cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Thanh Thọ, cán bộ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận, ví dụ trường hợp công nhân Công ty TNHH May Sun Kyoung Việt Nam. Khi nhận được thông tin nhà máy giải thể, chấm dứt hợp đồng với gần 830 công nhân, đơn vị này đã liên hệ các doanh nghiệp lân cận đang có nhu cầu tuyển mới đề nghị tiếp nhận.
"Người đến phỏng vấn nhiều mà số nhận việc không bao nhiêu", ông Thọ nói. Đơn cử, Công ty TNHH May Shin Dong thông tin có gần 300 công nhân đến nhưng chỉ 9 người nhận việc. Tương tự 180 lao động đến Công ty TNHH WooYang ViNa II tìm hiểu, sau đó chỉ 5 người đồng ý đi làm. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các công ty may, giày da trên địa bàn.
Đại diện phòng lao động quận 12 cho rằng hai nguyên nhân chính khiến nhiều lao động bị cắt giảm giai đoạn này không muốn nhận việc chính thức. Thứ nhất, công nhân mất việc sẽ nhận được ít nhất ba tháng trợ cấp thất nghiệp nên chỉ muốn tìm việc thời vụ, không ràng buộc hợp đồng, không đóng bảo hiểm xã hội và nhận lương theo tuần.
Thứ hai, thời điểm các nhà máy cắt giảm lao động khá cận Tết. Nếu lao động làm việc chính thức thì tiền thưởng Tết rất thấp, thời gian nghỉ lại phụ thuộc vào chỗ mới. Tâm lý này của công nhân khiến doanh nghiệp thiếu lao động khó tuyển được người.
Từ phía nhà tuyển dụng, ông Bùi Văn Duy nói rằng qua phỏng vấn tâm lý chung của công nhân hiện nay chỉ muốn tìm việc thời vụ để vừa nhận trợ cấp thất nghiệp và chờ đủ một năm rút bảo hiểm xã hội một lần.
Ngoài ra, ông Duy cho rằng một lý do khác khiến doanh nghiệp không tuyển được nhóm bị cắt giảm vì nhiều công nhân không sẵn sàng đổi nghề. Ví dụ với công nhân Tỷ Hùng đã làm trong ngành giày chục năm, có kinh nghiệm đóng đế, dán, ép keo... nếu sang công ty may, phải học lại từ đầu, hưởng mức lương mới nên không mặn mà.
Theo số liệu của trang tuyển dụng Việc làm tốt, trái ngược với các năm trước, năm nay lượng lớn lao động bị mất việc nên nhu cầu tìm việc so với trước tăng cao. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng lại giảm mạnh. Như vậy, nguồn cung lao động đang cao hơn nhu cầu của thị trường. "Tuy nhiên, điều này không có nghĩa nhóm doanh nghiệp muốn tuyển dễ dàng tìm được người", bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc chuyên trang Việc làm tốt, nói.
Hiện nhóm mất việc chủ yếu thuộc khối sản xuất, trong khi doanh nghiệp tuyển lại tập trung ở khối bán lẻ thương mại dịch vụ. Môi trường làm việc và yêu cầu kỹ năng, kinh nghiệm của hai khối ngành này rất khác nhau. Báo cáo của Trung tâm dự báo Nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP HCM, tháng 12 thành phố cần 23.000-25.000 chỗ làm mới. Trong đó, khu vực thương mại, dịch vụ chiếm 68% tổng nhu cầu, nhóm ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 32%.
Bà Ngọc nói thêm về vị trí địa lý, khối ngành sản xuất thu hẹp hoạt động, cắt giảm lao động tập trung nhiều ở vùng ngoại ô, trong khi khối bán lẻ thương mại dịch vụ ở trung tâm và khu dân cư. Người lao động giản đơn sẽ ưu tiên tìm việc gần chỗ ở. Do đó để nhà tuyển dụng và người tìm việc "khớp lệnh" cần thêm thời gian để điều chỉnh, thích ứng.
Nhiều năm nghiên cứu về lao động di cư, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), cho rằng lao động bị cắt giảm giai đoạn này sẽ không muốn tìm việc mới bởi tâm lý người Việt, dịp Tết rất quan trọng. Họ sẽ chọn làm thời vụ để không bị ràng buộc thời gian về quê.
"Thay vì kết nối tìm việc giai đoạn này ngành chức năng cần tập trung tìm các giải pháp cho năm sau", ông Lộc nói. Sau Tết, các khoản trợ cấp hết, ở quê ít việc cùng tâm lý "khởi đầu mới", người lao động sẽ trở lại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Cơ quan chức năng cần dự báo chính xác về thị trường và có phương án hỗ trợ cho công nhân. Nếu cung - cầu lao động tiếp tục lệch pha chứng tỏ việc điều tiết thị trường có vấn đề, công tác dự báo nhân lực không kịp thời.
Ngoài ra, Viện trưởng Social Life cho rằng doanh nghiệp khó tuyển người còn liên quan độ tuổi. Công nhân dưới 40 tuổi được các nhà máy cần nhưng lại là nhóm ngần ngại. Đây là những lao động trẻ, việc bị đẩy ra khỏi môi trường công xưởng sau đợt cắt giảm khiến họ nghĩ đến kế sinh nhai mới, quay về quê hoặc chờ rút bảo hiểm xã hội một lần. Trong khi đó, nhóm ngoài 40 tuổi không còn lựa chọn nào khác, muốn tìm việc thì thị trường lại không cần.
Theo ông Lộc, nhà nước cần có phương án dài hơi để hỗ trợ lao động lớn tuổi bị cắt giảm, giúp họ quay lại thị trường. Sau hơn 30 năm nền kinh tế phát triển những ngành thâm dụng lao động, đến nay số lượng công nhân hết tuổi nghề nhưng chưa đến tuổi hưu khá lớn. Những sự cố như vừa qua, họ bị đẩy ra khỏi nhà máy rất đột ngột.
"Đây là nhóm thực sự cần trợ giúp bởi bản thân họ không thể tự chuyển đổi được", ông Lộc nói. Viện dẫn câu chuyện của Hàn Quốc vào những năm 70 cũng tương tự, chuyên gia cho rằng thời điểm nhà nước đã lập quỹ lao động Hàn Quốc, hỗ trợ cho những người ngoài tuổi 40. Việt Nam hoàn toàn làm được bằng cách khuyến khích, thu hút đầu tư các ngành phụ trợ phù hợp sức khỏe, kinh nghiệm, tay nghề của lao động; dùng kinh phí từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp đào tạo nghề thực chất, giúp họ chuyển đổi công việc.
Lê Tuyết