Sát Tết năm ngoái, nhà hàng xóm của tôi mở tiệc ăn mừng vì đứa con trai "giang hồ" của gia đình họ mãn hạn tù. Bỏ học từ cấp hai, lêu lỏng mấy năm trời, bỗng dưng một ngày đứa con trai của họ xăm hình vằn vện rồi tự xưng là giang hồ.
Vướng lao lý do đi đòi nợ thuê, đứa con trai cưng đi ở tù. Lúc trước, không có ngày nào là không có dăm bảy tên "giang hồ" tụ tập ở nhà họ ăn nhậu, hát karaoke ầm ĩ. Hàng xóm không dám nhắc. Ngay cả cha mẹ của chúng cũng không ai đoái hoài gì đến con của mình.
Anh em giang hồ nhậu nhẹt có nhau, ăn chơi lại càng có nhau. Nhưng đến khi ở tù, chẳng có ai đi thăm nuôi. Ngày về, cũng chẳng ai đi rước.
Ngoài câu chuyện tôi chứng kiến trên, một ví dụ tuyệt vời cho câu "anh em có nhau, ốm đau tự xử" là băng nhóm giang hồ ở Phú Quốc đang được tòa xét xử.
Khi ra tòa, Đoàn Thiên Long, người bắn chết 2 đối thủ trong trận hỗn chiến bảo kê đất, nói rất ân hận, nổ súng vì "chỉ biết nghe theo đàn anh mà không phân biệt đúng sai".
Sau khi bắn người, Long được Ngọc (đàn anh) yêu cầu xuống Gành Dầu bỏ trốn, nấp trong lùm cây một đêm. Hôm sau, bị cáo đến công an trình diện "vì tin tưởng anh Ngọc sẽ lo" cho mình.
"Bị cáo ôm hết trách nhiệm. Súng cũng nhận là mình mua vì tin rằng 'bề trên' của anh Ngọc sẽ lo hết, và cả anh Thái cũng nói 'tất cả mọi người đều lo cho em'", Long khai, và cho biết rất ân hận.
Về phía Nguyễn Văn Thái, tức Thái Bus, người bị cáo buộc cầm đầu vụ hỗn chiến bảo kê đất ở Phú Quốc, khai bức xúc khi "nhiều anh em xã hội" chối tội nên sẽ "nói hết sự thật".
Những người là giang hồ, là xã hội đen hung hăng, khi đứng trước vành móng ngựa đã phải rệu rã: Người thì chỉ vì nghe lời đàn anh, giờ đây hối hận, đối diện án tử hình. Người thì bức xúc vì 'nhiều anh em xã hội dám làm mà không dám nhận'.
Tôi nghĩ, đây là một bài học rất lớn cho những người tự xưng, tự gọi mình là giang hồ. Xã hội vận hành trên kỷ cương, pháp luật. Vì thế đừng ngây thơ tin tưởng vào "nghĩa khí giang hồ" - thứ chỉ có trong phim ảnh. Còn khi đã đứng trước vành móng ngựa, chịu sự chế tài của luật pháp, ai nấy cũng sẽ vì bản thân mình mà thôi.
Đây cũng là một bài học rất lớn cho các thanh niên lười lao động chân chính mà làm những việc phi pháp, coi thường pháp luật. Bởi lúc đền tội, người buồn bã nhất, có lẽ chỉ là người thân mà thôi.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.