Ba tháng trước, chị Phan Thị Vang, công nhân Công ty TNHH Lạc Tỷ (quận Bình Tân), quyết định nộp đơn nghỉ việc sau gần một tuần suy tính. Ở tuổi 36, nữ công nhân lo sẽ khó tìm được chỗ làm mới, đặc biệt khi các nhà máy đều giảm đơn hàng, thắt chặt tuyển dụng. Tuy nhiên, mỗi ngày đến xưởng chị lại nghe đồng nghiệp bàn luận nếu để qua năm 2025, Luật Bảo hiểm xã hội thay đổi, công nhân không rút được số tiền đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.
"Tôi thích lấy một cục chứ không nghĩ đến lương hưu", chị Vang nói. Hơn 10 năm trước, từ Tiền Giang, chị Vang lên TP HCM làm công nhân Công ty TNHH giày Tỷ Hùng. Sau 6 năm, chị nghỉ việc, rút BHXH một lần được gần 40 triệu đồng. Có tiền, chị bỏ nhà máy, về quê buôn bán nhỏ, song công việc không thuận lợi, hết sạch vốn.
Bốn năm trước, nữ công nhân quay lại thành phố, xin vào Công ty TNHH Lạc Tỷ. Hiện lương cơ bản của chị gần 6 triệu đồng, chưa kể tăng ca và các khoản phụ cấp. Chị Vang tính toán nếu rút một lần, với mỗi năm làm việc được trả hai tháng lương, số tiền chị nhận được gần 50 triệu đồng. Nếu sau này không tìm được việc mới, chị về quê buôn bán.
Chị Vang là một trong gần 40 lao động Công ty TNHH Lạc Tỷ nghỉ việc, nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp từ tháng 6 đến nay. Nhiều người được hỏi đều trả lời nhận trợ cấp một lần vào năm sau, trước khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đang được lấy ý kiến đã đưa ra hai phương án rút BHXH một lần. Phương án một, chỉ nhóm tham gia trước khi luật có hiệu lực (trước 1/1/2025) mới được rút. Nhóm đóng sau thời điểm này không được rút, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Phương án hai, không phân biệt thời gian đóng, tất cả lao động đóng dưới 20 năm, sau một năm không tham gia hệ thống đều được rút nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất. Số năm còn lại được bảo lưu hưởng chế độ. Phương án này không giới hạn số lần lao động được rút.
Bà Ngô Thị Mỹ Kha, Phó chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Lạc Tỷ, cho biết nhiều công nhân không biết phương án nào được chọn nên để tránh bị luật tác động đã nộp đơn nghỉ việc, chờ rút BHXH một lần.
Ngoài ra, để né phương án hai, lao động cho rằng nghỉ việc lúc này vừa đủ thời gian chờ một năm không tham gia BHXH rồi rút toàn bộ tiền đã đóng. Sau đó họ vẫn kịp tham gia lại thị trường lao động trước năm 2025, tức thuộc nhóm tham gia trước khi luật hiệu lực nên sau này vẫn được rút một lần nếu phương án một được chọn.
"Lao động nghỉ nhiều khiến hoạt động sản xuất xáo trộn, doanh nghiệp nguy cơ thiếu hụt nhân sự vào năm sau khi sản xuất phục hồi", bà Kha nói.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hoa, cán bộ Công đoàn khu công nghiệp Đồng Nai, nói rằng tình trạng công nhân nghỉ việc rút BHXH một lần do chưa hiểu hết hoặc lo lắng về các quy định của chính sách mới đang diễn ra tại các nhà máy.
Bà Hoa dẫn chứng một doanh nghiệp trong khu đơn hàng sụt giảm, cùng lúc có hơn 100 lao động sắp hết hạn hợp đồng, song ban giám đốc vẫn quyết định tái ký, giữ họ ở lại làm việc để vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên trong giai đoạn này vẫn có người lao động nghỉ để kịp hưởng BHXH một lần trước khi chính sách thay đổi
Theo bà Hoa, qua ghi nhận nhiều công nhân nghỉ việc rút bảo hiểm không vì khó khăn mà do "ít tin vào chính sách lương hưu" nên khi nghe thông tin hạ năm đóng tối thiểu từ 20 xuống 15 năm đã tìm cách rút.
Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn (Liên đoàn lao động Đồng Nai), cho biết khi dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi lấy ý kiến cũng là lúc trung tâm nhận nhiều cuộc gọi hỏi về rút một lần. Số lượng công nhân thắc mắc về BHXH một lần giai đoạn này chiếm hơn 50% tổng số cuộc gọi mà đơn vị nhận được.
"Công nhân chủ động nghỉ việc để rút BHXH một lần là muốn hưởng chạy luật chứ không phải vì khó khăn", luật sư Hà nhận định. Khi tiếp nhận cuộc gọi, nhân viên trung tâm đều tìm hiểu hoàn cảnh lao động, hướng đến lương hưu hoặc giới thiệu những nơi có thể vay vốn lãi suất thấp nếu cần tiền. Tuy vậy lao động không quan tâm. Nhiều người có thâm niên từ 10 năm trở lên, lương cơ bản rất cao, lên đến vị trí quản lý vẫn muốn nghỉ để rút.
Có những doanh nghiệp hơn một nửa lao động nộp đơn nghỉ việc. Theo luật sư Hà, nghỉ việc giai đoạn này lao động gặp rất nhiều rủi ro, khó tìm được việc làm mới. Đặc biệt nhóm thâm niên, lương cơ bản lên đến chục triệu đồng mỗi tháng bởi khi xin việc lại, lương khởi điểm chỉ hơn mức tối thiểu vùng (3,25-4,68 triệu đồng, tùy vùng).
"Với nhiều người, việc tuyên truyền hầu như không tác dụng bởi rút một lần là mục đích họ hướng đến. Chỉ khi nào bản thân có trải nghiệm không tốt mới chấp nhận", luật sư Hà nói và nêu trung tâm gặp nhiều trường hợp rút giờ đây đến hỏi có thể nộp lại số tiền đã nhận để sau này hưởng lương hưu hay không. Song lúc này đã muộn bởi quy định hiện hành không cho phép.
Ông Cao Văn Sang, nguyên giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM, cho rằng lao động nghỉ việc rút BHXH một lần để "chạy luật" là tình huống buộc phải chấp nhận ở lần sửa luật này.
"Bất kỳ sự thay đổi nào cũng tạo ra những lát cắt", ông Sang nói. Ví dụ trước đây khi mở rộng BHXH từ nhà nước sang tư nhân, lương hưu khối nhà nước tính bình quân 5 năm cuối thay vì tháng trước khi nghỉ. Những người ở giai đoạn chuyển giao cũng đã phản ứng và tìm cách nghỉ trước khi luật áp dụng để hưởng lương hưu tốt hơn. Hay đợt Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nâng số năm đóng tối thiểu lên 20 năm thay vì 15 năm như luật năm 2006 đã khiến nhiều người phải nhận trợ cấp một lần khi không còn sức lao động.
Theo ông Sang với những người xem BHXH một lần là mục tiêu hướng đến và đã có kế hoạch rút thì lần sửa luật này chỉ làm cho quyết định của họ đến nhanh hơn dự tính.
"Pháp luật điều chỉnh hành vi. Gần 30 năm luật đã cho phép họ rút nên giờ đây phải chấp nhận", ông Sang nói. Quan trọng là khi nhận ra những tác hại của việc cho phép lao động rút BHXH một lần, nhà nước cần điều chỉnh chính sách phù hợp, tạo sự ổn định lâu dài.
Lê Tuyết