Tôi có một cô bạn làm trong ngành marketing. Cô bạn này là một người khá chăm chỉ và học giỏi từ thời cấp ba. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô có một công việc ổn định, lương thưởng khá ổn.
Mọi thứ diễn ra êm xuôi đến khi cô này lập gia đình và có con. Mấy lần tâm sự, cô bảo bao nhiêu năng lượng của bản thân bị phân tán chuyên công ty, chuyện nhà, chuyện lo con học, đưa rước con... nên phong độ làm việc không còn như xưa nữa.
Hơn hết là ngành quảng cáo đào thải rất lớn, khi không còn tư duy nhạy bén, sáng tạo mãnh liệt nữa thì cơ hội thăng tiến, thu nhập bị ảnh hưởng rất lớn. Nhất là mỗi năm lại xuất hiện thêm một lứa marketer mới đầy trẻ trung và sức sáng tạo bắt kịp nhu cầu hiện đại hơn những người vướng bận gia đình và có tuổi.
Trong một lần đi gặp đối tác, cô được kết nối với nguồn hàng mỹ phẩm nên quyết định "chân trong, chân ngoài": nhập hàng về bán kênh online. Làm chơi nhưng ăn thật, người trong ngành nói vui là "tổ đãi", khách đặt hàng, chốt đơn không kịp giao, doanh thu mỗi tháng xấp xỉ lương tại công ty nên cô có suy nghĩ rút bớt một chân ở công ty để đặt hoàn toàn hai chân vào buôn bán online.
Lúc đó, cô chia sẻ với tôi rằng tại sao phải đi làm thuê để chịu đựng từ khách hàng, sếp đến đồng nghiệp trong khi mình hoàn toàn có thể dựa vào thu nhập buôn bán online? Đó là mình được làm chủ, hoàn toàn tự do, làm theo ý mình mà không gò bó thời gian ở công ty. "Làm nhiêu ăn nhiêu" là động lực khiến cô bạn tôi quyết định nghỉ hẳn công ty để theo đuổi nghiệp làm bà chủ cửa hàng online.
Nhưng mộng đẹp thường không kéo dài lâu. Mỹ phẩm của cô không giữ chân được khách nên đơn hàng giảm dần đều. Cộng thêm việc không có nhiều nguồn lực để tung voucher khuyến mãi, sàn thương mại áp phí... nên tiền lời thực tế mỗi tháng không như kỳ vọng để có thể thoát khỏi kiếp làm công ăn lương. Chưa kể tiền bao bì, thời gian quảng cáo hàng, thời gian tư vấn cho khách, thời gian đóng gói và gửi hàng đi... là hàng chục những công việc không tên khác mà cô chưa mường tượng ra.
Được một năm thì cô quyết định xin đi làm lại và ưu tiên phát triển sự nghiệp hơn mộng làm chủ. Còn shop online, cô vẫn giữ như một khoản thu nhập thêm cho gia đình chứ không kỳ vọng lớn lao vào nó nữa.
Tôi chia sẻ câu chuyện này nhân tiện một bạn băn khoăn Có mạo hiểm khi nghỉ việc văn phòng để ở nhà bán hàng online? và bài viết Nhiều người thất nghiệp là mở quán cà phê, tôi nhớ đến một lời nhận xét rằng nhiều người Việt có tư duy thích làm chủ.
Dù đó là một cửa hàng tạp hóa, một quán ăn (hay bây giờ là bán hàng online) miễn sao nó là của mình hơn là đi làm công ăn lương ổn định và có cơ hội thăng tiến. Khi đi làm ở công ty, doanh nghiệp, nhiều người với tâm thế "lương tháng", cố gắng hoàn thành công việc để nhận được lương chứ ít ai thực sự chú tâm vào việc mình làm một cách xuất sắc. Kể cả được sếp thưởng, họ cũng sẽ vui lúc đầu nhưng sau đó sẽ nhanh chóng không còn thỏa mãn nữa.
Tất cả như vậy là do tâm lý: "Dù làm đến tổng giám đốc đi nữa, cũng chỉ là làm thuê" của nhiều người. Sự không chắc chắn và thiếu cảm giác an toàn khiến họ luôn tìm cách "sau này ra làm riêng, làm chủ một cái gì đó" và lúc nào cũng than phiền việc ở công ty.
Tôi nghĩ, đây chính là lý do vì sao doanh nghiệp Việt đa số nhỏ và vừa. Hiếm có doanh nghiệp nào đủ lớn và đủ sức cạnh tranh toàn cầu. Dù ban giám đốc, hội đồng quản trị có cố gắng đến thế nào đi nữa, nhưng nhân viên mang tâm thế "ông làm chủ được, tôi cũng làm được dù nhỏ hơn nhưng nó là của tôi" thì các công ty, tập đoàn như các mảnh rubik rời rạc mà thôi.
Nam Lê
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.